Lao động trung niên mất việc: Sẽ làm nghề đưa cơm, xe ôm, trông trẻ…?

(Dân trí) - “Khoảng 500 lao động nghỉ việc ở tầm tuổi 35 đều có thời gian công tác từ 15-16 năm. Nhiều nhất là 34 - 35 tuổi. Họ đi làm từ khoảng 18 - 19 tuổi. Mất việc ở tuổi trung niên, họ phải tìm mọi cách để kiếm sống như chạy xe ôm, đưa cơm, trông trẻ…”

Lao động trung niên mất việc: Sẽ làm nghề đưa cơm, xe ôm, trông trẻ…? - 1

PGS, TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ VN) trao đổi với PV Dân trí về khảo sát mới đây trước tình trạng mất việc làm của lao động trung niên. Đây là hiện tượng đã và đang xuất hiện ở các doanh nghiệp FDI, khu công nghiệp.

Theo PGS, TS Vũ Quang Thọ: "Viện Công nhân và Công đoàn đã có địa chỉ, số điện thoại của 500 công nhân từ các khu công nghiệp bị mất việc làm ở tầm tuổi 35. Đây mới chỉ là con số công đoàn khảo sát sơ bộ, còn trên thực tế thì số lượng trên còn rất lớn.

Về độ tuổi, đa số người lao động ở tầm 34 - 35 tuổi, cao nhất chỉ 38 - 39 tuổi. Những người lao động này đi làm từ năm 18 - 19 tuổi, thời gian làm việc khoảng 15 - 16 năm. Khảo sát cho thấy, tình trạng cho lao động mất việc làm ở tuổi trung niên chủ yếu ở các khu công nghiệp và ở nhiều loại hình doanh nghiệp".

Vậy sau khi bị mất việc làm, người lao động có quay về quê nhà? Công việc tiếp theo của họ là gì, thưa ông?

- Chúng tôi đã tìm tới quê hương của những lao động trên. Điều bất ngờ là hầu như tất cả trong số này không có ai quay về sinh sống.

vu quang tho

PGS, TS Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn

Có lẽ điều này được lý giải bởi họ đang ở tầm tuổi trung niên 34-35 tuổi và phải bươn chải để kiếm sống. Một số nghề được học chọn như: Đưa cơm cho công nhân đang làm việc ở chính doanh nghiệp trước đây họ từng làm, dịch vụ xe ôm đưa đón công nhân đi làm.

Với những lao động nữ, một số người chọn công việc bán hàng rong, hàng tạp hóa hoặc trông trẻ cho các công nhân...

Tóm lại, sau khi mất việc làm, người lao động phải chấp nhận làm đủ nghề để tồn tại. Dù vất vả nhưng tôi cho đó là công việc chính đáng.

Khi được hỏi về lý do bị mất việc, người lao động nói gì?

- Một số công nhân không muốn nhận khuyết điểm thôi việc về mình. Nhưng cũng có một số công nhân nói: “Chúng em già rồi, mắt kém, chân tay không chuẩn xác như trước nữa nên tự tìm đến chỗ để thôi việc…”

Còn đa phần, công nhân vẫn thiết tha với công việc nhưng không được bố trí công việc.

Về phía doanh nghiệp đã đưa ra những lý do gì khi người lao động mất việc làm, thưa ông?

- Cách thứ nhất, doanh nghiệp lấy lý do đổi mới công nghệ, người lao động nào thích ứng với công nghệ mới thì mời ở lại làm việc, còn không xin mời tự nguyện nghỉ.

Cách hai, doanh nghiệp họ nói do phải cơ cấu lại dây chuyền sản xuất, cho nên những lao động trung niên phải ra khỏi dây chuyền mà từ trước tới nay. Doanh nghiệp không có khả năng bố trí việc làm nữa.

Cách thứ ba, doanh nghiệp nói đại loại như: “các bác đã mắt mờ, tay chân chậm thì xin nghỉ đi chứ không thể thích ứng với công việc của chúng tôi, khi nhu cầu kỹ thuật và độ chính xác cao hơn”.

"Dưới góc độ an sinh xã hội, hầu hết trong số 500 lao động trung niên bị mất việc làm trên đều lĩnh bảo hiểm xã hội một lần. Không ai chờ đến nghĩ hưu đâu vì họ mới có 17, 18 năm, nhiều thì 20 năm" - ông Vũ Quang Thọ nói.

Đây cũng là một trong những hệ quả của quá trình phát triển công nghiệp vội vàng, đặc biệt là phát triển ồ ạt các khu công nghiệp, không chuẩn bị kỹ.

Thực trạng lao động trung niên bị mất việc làm là hiện tượng đáng báo động hiện nay, quan điểm của ông về điều này?

Tôi cho rằng điều này đòi hỏi các bên cần phải thay đổi.

Trước hết, “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, người lao động cũng cần xem lại mình, cụ thể: Trong việc thay đổi cung cách làm việc, thái độ và ý thức với công việc, qua đó mới có sự thích ứng với công việc lâu dài.

Về phía doanh nghiệp, không nên dựa vào lý do thay đổi công nghệ để cho nghỉ việc người lao động đã từng gắn bó cả tuổi thanh xuân, thậm chí từng “đồng cam cộng khổ” với doanh nghiệp tới 15 - 16 năm.

Doanh nghiệp cần có thái độ trân trọng, có cách nào đó - doanh nghiệp phải tự nghĩ ra - để sử dụng lao động tương đối bền vững hơn, ít nhất kéo dài 25-30 năm để người lao động có thời gian đủ đóng BHXH, sau này còn có kế sinh nhai.

Về phía cơ quan chức năng của Nhà nước cần nghĩ tới cách hình thành và vận hành hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam hiệu quả hơn, đặc biệt là bảo hiểm xã hội.

Thực tế khảo sát trong 500 công nhân mất việc ở tuổi 35 vừa qua, cho thấy: Nhiều người không thể tìm được sổ bảo hiểm xã hội vì chủ doanh nghiệp cũng mất tích, không ai có trách nhiệm việc thanh toán bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần nghiên cứu và bổ sung chính sách ràng buộc doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam phải có thời gian cam kết làm việc 25-30 năm, sử dụng lao động lâu dài.

- Xin cảm ơn ông

Hoàng Mạnh thực hiện