Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Hạn chế lao động trung niên bị doanh nghiệp FDI loại bỏ”
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Thọ về tình hình thực hiện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn, hôm 7/7.
Báo cáo với đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH, ông Bùi Đức Nhẫn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 110 doanh nghiệp FDI, tổ chức đang sử dụng lao động là người nước ngoài, với tổng số người lao động nước ngoài là 471 người.
Cũng theo đại diện Sở LĐ-TB&XH, Phú Thọ tạo thêm gần 15.000 lao động/hàng năm. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, tỉnh đã tạo việc làm thêm cho 7.863 lao động, góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị mức 3,0% và tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn năm 2016 lên 85,7%.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận Phú Thọ đã có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nhiều lĩnh vực tăng trưởng cao.
“Được quy hoạch trở thành Trung tâm của vùng Tây Bắc, những năm gần đây Phú Thọ đã chú trọng đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Lĩnh vực an sinh xã hội cũng được quan tâm, các chính sách về lao động, việc làm, người có công được giải quyết khá cơ bản đúng, đầy đủ và kịp thời”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu.
Đánh giá cao vai trò của công tác dạy nghề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cơ quan chức năng về LĐ-TB&XH tỉnh Phú Thọ cần xem xét quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp, tính toàn đột phá ở 3 lĩnh vực: Tự chủ, kết nối doanh nghiệp và chuẩn hóa đào tạo.
Quan tâm đến việc sử dụng lao động nữ độ tuổi 35-40 tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý “Không để việc doanh nghiệp FDI tuyển dụng, sử dụng một thời gian rồi cho lao động nghỉ việc. Đây không chỉ là vấn đề “nóng “ của riêng của Phú Thọ mà còn ở nhiều địa phương khác”.
Nhằm hạn chế tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng các cơ quan chức năng về LĐ-TB&XH cần tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng cơ chế đòi hỏi doanh nghiệp phải có cam kết sử dụng lao động lâu dài.
Về lĩnh vực người có công, ông Bùi Đức Nhẫn cho biết: Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có gần 260.000 người có công. Việc chi trả, ưu đãi đối với người có công và thân nhân của họ được đảm bảo đúng, đầy đủ chế độ, đúng đối tượng, kịp thời.
Các chính sách khác đối với cựu thanh niên xung phong, cựu chiến binh, quân nhân, công an xuất ngũ, dân quân, du kích, dân công hỏa tuyến… đang được tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện.
Qua 6 tháng năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã thẩm định hồ sơ và quyết định chi trả trợ cấp 1 lần đối với 19.977 người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng bằng khen.
“Tỉnh hiện không còn hồ sơ xác nhận người có công tồn đọng theo hướng dẫn Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đã lập trước ngày 1/7/2013 theo QĐ 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Những hồ sơ không đủ điều kiện xác nhận theo quy định của pháp luật đã trả lại cho đối tượng.….” - ông Nhẫn thông tin.
Bên cạnh việc đánh giá cao công tác thực hiện chính sách người có công của Phú Thọ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng lưu ý Sở LĐ-TB&XH Phú Thọ cần rà soát lại và tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng trong dân, tiến hành công khai, minh bạch. "Đặc biệt, Sở cần phấn đấu đến hết năm 2018 không còn hồ sơ tồn đọng trong dân, đặc biệt với trường hợp hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh…."
Trong chuyến công tác Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã đến thăm, tặng quà tại Trung tâm điều dưỡng người có công Phú Thọ; thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mỹ (88 tuổi) ở phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ và thương binh 1/4 Đào Hữu Bính, ở phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ.
Hoàng Phúc