1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Sa thải lao động trung niên: Nên tái lập quỹ dạy nghề dự phòng?

(Dân trí) - Trước thực tế nhiều doanh nghiệp đang lợi dụng chính sách để cho nghỉ việc lao động trung niên, đặc biệt là lao động nữ, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - cho rằng, nên nghiên cứu việc tái lập quỹ dạy nghề dự phòng cho lao động nữ.

Sa thải lao động trung niên: Nên tái lập quỹ dạy nghề dự phòng? - 1

Trao đổi với PV Dân trí, ông Mai Đức Chính lo ngại tình trạng sa thải lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ đang xuất hiện ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Đa số người lao động phải nghỉ việc vì những lý do như doanh nghiệp thay đổi công nghệ, cơ cấu lại dây chuyền sản xuất…

“Doanh nghiệp cho rằng thị trường lao động vốn có tính linh hoạt. Nếu không còn nhu cầu tuyển dụng, doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh để thích ứng...Lý do đưa ra trong trường hợp này chủ yếu không trái với pháp luật Lao động” - ông Mai Đức Chính nói.

Trong khi đó, các “lưới” an toàn cho người lao động vướng vào hoàn cảnh trên còn thiếu.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Luật Lao động năm 2007 có quy định duy trì Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ. Tuy nhiên, Luật Lao động năm 2012 lại bỏ quy định này đi.

Quỹ hỗ trợ đào tạo nghề dự phòng quy định doanh nghiệp phải trích lập 1 khoản kinh phí nhất định từ lợi nhuận, để đào tạo nghề cho lao động nữ nghỉ việc vì lý do không sử dụng tiếp người lao động.

mai duc chinh

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN

Điều này dựa trên đặc điểm về giới tính của lao động nữ. Nhiều nghề nghiệp không cho phép sử dụng lao động nữ hoặc lao động nữ không có khả năng làm việc một cách liên tục.

Vì vậy, quy định đã ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp phải đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ khi làm việc ở những nghề mà không thể đảm bảo liên tục cho đến khi họ nghỉ hưu. Nghề dự phòng tạo cơ hội về việc làm cho lao động nữ khi họ không thể tiếp tục làm việc cũ.

Lý do của việc bỏ quy định trên ở Luật Lao động 2011, ông Mai Đức Chính nhận định: “Có thể một trong số các lý do là tình hình lúc đó chưa có nhiều tình trạng cho lao động nữ trung niên nghỉ việc. Quy định này chưa được sử dụng nhiều” .

Để hạn chế tình trạng sa thải lao động trung niên đang xuất hiện ngày càng nhiều, ông Mai Đức Chính cho rằng: “Có lẽ tới đây, khi bàn về việc sửa đổi Luật Lao động năm 2012, chúng ta nên xem xét phục hồi lại. Điều này như 1 cách hỗ trợ cho người lao động khi bị doanh nghiệp cho nghỉ có cơ hội học nghề để tìm việc mới”.

Bên cạnh đó, ông Mai Đức Chính cho rằng một trong những lý do khiến người lao động có nguy cơ “mắt mờ, tay yếu, chân chậm” nhanh hơn, dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để sa thải chính là việc chủ động xin tăng ca làm thêm.

“Đành rằng lương thấp nên người lao động phải làm thêm để có thêm 1 khoản chi tiêu, mặt khác cũng hỗ trợ doanh nghiệp khi có những đơn hàng lớn. Tuy nhiên, sức con người là có hạn” - ông Mai Đức Chính lo ngại.

Ông Mai Đức Chính phân tích thêm, nếu cứ duy trì tốc độ làm thêm nhiều năm, người lao động có thể “cạn kiệt” sức lao động sau 5-10 năm, thậm chí là thời gian ngắn hơn.

Khi đó, người lao động sẽ già hơn, yếu hơn và lương cao hơn. Doanh nghiệp có thể tính tới việc thay thế một lực lượng lao động mới, trẻ và khoẻ hơn, mức lương và phí đóng bảo hiểm xã hội thấp hơn.

“Hiện nay, số giờ làm thêm theo quy định từ 200-300 giờ/năm mà người lao động đã cảm thấy mệt mỏi. Dự thảo vừa rồi còn đưa lên tới 600 giờ, thì sẽ càng khó cho người lao động” - ông Mai Đức Chính lo ngại.

Nghiên cứu lại việc tuyển dụng và sa thải, nghỉ việc người lao động tại doanh nghiệp FDI

Ngay từ đầu năm 2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã cảnh báo về tình trạng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ tuyển dụng lao động trẻ tuổi đang diễn ra phổ biến.

Những lao động gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào việc làm ngay. Nhưng chỉ sau vài năm làm việc với lương và mức đóng BHXH tăng dần, không ít người lao động có nguy cơ bị đào thải. Doanh nghiệp lại tuyển lao động mới vào với mức lương và mức đóng BHXH thấp.

“Khi rời khỏi các doanh nghiệp này, người lao động đã 30-35 tuổi. Họ sẽ khó tìm việc có thu nhập cao vì trình độ tay nghề gần như không có. Người lao động có nguy cơ cao khi phải đối mặt với thực tế quay trở về khu vực nông thôn và làm những công việc giản đơn, thu nhập thấp” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Đồng thời, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu chính sách ràng buộc doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI sử dụng lao động lâu dài hơn, trước hết là trong việc tuyển dụng và sa thải, nghỉ việc người lao động.

Hoàng Mạnh