Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cần ràng buộc doanh nghiệp FDI sử dụng lâu dài lao động”

(Dân trí) - Sáng 9/2, tại buổi làm việc với Cục Việc làm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã yêu cầu cơ quan chuyên môn cùng Tổng cục Thống kê xây dựng Đề án dự báo cung - cầu lao động quốc gia. Bộ trưởng cũng yêu cầu nghiên cứu chính sách ràng buộc các doanh nghiệp FDI sử dụng lâu dài lao động.

Liên quan về số liệu việc làm, lao động thất nghiệp của thị trường lao động, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH băn khoăn khi số liệu đang phải dựa nhiều vào kết quả khảo sát từ Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch đầu tư). Trong khi đó, về danh nghĩa, ngành LĐ-TB&XH phải tự xây dựng và đưa ra được một dự báo chính thống cập nhật và chính xác về thông tin cung cầu lao động toàn quốc.

Đơn cử như việc công bố Bản tin thị trường lao động do Viện KHLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) công bố hàng quý, các dữ liệu về cung - cầu việc làm phải phụ thuộc vào kết quả của Tổng cục thống kê. Trong khi đó, nguồn thông tin từ hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm công lập (thuộc ngành LĐ-TB&XH) mới chỉ có tính tham khảo, chưa đáp ứng vai trò là kênh thông tin chính thống.


Cả nước có khoảng 200.000 lao động trình độ đại học và trên đại học thất nghiệp.

Cả nước có khoảng 200.000 lao động trình độ đại học và trên đại học thất nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Cục Việc làm cần kết hợp với các cơ quan chuyên môn để làm tốt hơn chức năng kết nối thông tin giữa doanh nghiệp và người lao động, doanh nghiệp với đào tạo.

Chia sẻ nỗi lo lắng về thiếu thông tin cung - cầu việc làm, tiến sĩ Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH), dẫn chứng: Năm 2016 được coi là thời điểm của sự bùng nổ xu hướng khởi nghiệp với hơn 110.000 doanh nghiệp được thành lập mới. “Thông tin tốt như vậy, nhưng chúng ta đã bóc tách ra được số việc làm mới do hơn 110.000 doanh nghiệp được hình thành?” - tiến sĩ Cao Văn Sâm nói.

Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cũng thừa nhận quy mô thông tin việc làm từ kênh của Tổng cục thống kê chiếm phần lớn trong các Bản tin thị trường lao động. “Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xem xét lại hệ thống chỉ tiêu việc làm về căn cứ và độ tin cậy, cách hiểu còn khác nhau ảnh hưởng tới việc báo cáo số liệu việc làm của địa phương…”

Nhận định công tác thông tin về số liệu cung cầu có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị: Cục Việc làm, Tổng cục Dạy nghề và Viện Khoa học lao động cần kết hợp với Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch đầu tư) khẩn trương xây dựng đề án về dự báo cung - cầu thị trường lao động.

“Trong đó, chúng ta cần xác định rõ được các số liệu chính xác và cập nhật về các chỉ tiêu chính của thị trường lao động, dự báo thị trường tầm trung hạn và dài hạn... Những số liệu được công bố phải có tính quốc gia. Trên cơ sở làm việc giữa lãnh đạo của 2 ngành thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đảm nhiệm việc công bố các số liệu thị trường lao động này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Nghiên cứu các chính sách ràng buộc doanh nghiệp FDI sử dụng lâu dài lao động

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tình trạng chỉ sử dụng lao động trẻ tuổi trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang diễn ra phổ biến. Lao động gần như không được đào tạo bài bản và được đưa vào việc làm ngay. Nhưng chỉ sau vài năm làm việc với lương và mức đóng BHXH tăng dần, không ít người lao động có nguy cơ bị đào thải. Doanh nghiệp lại tuyển lao động mới vào với mức lương và mức đóng BHXH thấp.

“Khi rời khỏi các doanh nghiệp này, người lao động đã 30-35 tuổi. Họ sẽ khó tìm việc có thu nhập cao vì trình độ tay nghề gần như không có. Người lao động có nguy cơ cao khi phải đối mặt với thực tế quay trở về khu vực nông thôn và làm những công việc giản đơn, thu nhập thấp. Điều này đòi hỏi các cơ quan ngành LĐ-TB&XH cần nghiên cứu chính sách ràng buộc doanh nghiệp FDI sử dụng lao động lâu dài hơn, trước hết là chính sách trong quá trình tuyển dụng và sa thải, nghỉ việc người lao động”.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

TP HCM: Sau Tết, chỉ khoảng 15 % lao động tìm việc mới

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi, Sở LĐ-TB&XH TP HCM), chỉ có khoảng 15 % số lao động tìm việc mới sau Tết. Lý do của tỉ lệ thấp như trên vì đa số doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện chính sách lương, thưởng và phúc lợi tốt đối với người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cần ràng buộc doanh nghiệp FDI sử dụng lâu dài lao động” - 2

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Falmi, do tỉ lệ dịch chuyển như trên nên mức độ thiếu hụt lao động của các doanh nghiệp cũng không cao. Khảo sát của Falmi với hơn 1.770 doanh nghiệp cho thấy, thị trường lao động thành phố sau Tết Nguyên Đán năm 2017 khá ổn định và phát triển. Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như: Ngành dệt may - giày da chiếm 6,09%; trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề chiếm 82,32%. Riêng các nhóm ngành chế biến lương thực thực phẩm đã có sự tăng cường nhân sự đảm bảo sự ổn định lực lượng lao động sau Tết, thông qua các chính sách phúc lợi cuối năm. Vì vậy, việc tuyển dụng lao động phổ thông không phổ biến và tuyển dụng vẫn theo xu hướng nhân lực có tay nghề và kỹ năng. Theo Falmi, cũng do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh vào mỗi dịp cuối năm khiến các nhà máy, doanh nghiệp thường phải đẩy nhanh tiến độ sản xuất để đảm bảo được chỉ tiêu sản lượng đặt ra. Đợt Tết vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn giải pháp tuyển thêm các lao động để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh.

N.H

Các mức xử lý khi vi phạm chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Bà Phan Thị Tâm (Hải Phòng) hỏi: Quy định hiện nay về mức, chế tài xử lý các vi phạm về chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định hiện hành ra sao?

Về vấn đề này, Điều 27 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 đã quy định mức, chế tài xử lý các vi phạm về chính sách bảo hiểm thất nghiệp, như sau:

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Cần ràng buộc doanh nghiệp FDI sử dụng lâu dài lao động” - 3

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp ;

Mức phạt tăng cao từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người lao động có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp sau đây: Thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp . Ngoài ra, mức phạt còn áp dụng với trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp không thông báo theo quy định với Trung tâm dịch vụ việc làm khi tìm được việc làm; thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hưởng lương hưu hằng tháng; ra nước ngoài để định cư, đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên …

Việc làm