Lao động "chạy dịch": Ra đi mang hi vọng, hồi hương "ôm" theo nợ
(Dân trí) - Từ Sơn La vào Bình Dương mới hơn một tháng thì bùng dịch, Đinh Văn Đức phải vay nợ để duy trì cuộc sống. Không còn trả năng bám trụ, vợ chồng Đức chạy xe máy về quê cùng khoản nợ 20 triệu đồng.
Ôm nợ về quê
Dừng chân nghỉ ở quãng giữa 2 cầu Bến Thủy (thành phố Vinh, Nghệ An) theo hướng dẫn của lực lượng chức năng, trong khi vợ cho con gái ăn tạm cái bánh mỳ, Đinh Văn Đức (SN 1995, quê xã Tường Hà, Phù Yên, Sơn La) tranh thủ kiểm tra lại con "chiến mã".
"Chạy trên đường chỉ sợ buồn ngủ với hỏng xe. Hôm qua xe vừa hỏng, không tự sửa được, phải vào nhờ người dân sửa cho, hết 200 nghìn đồng", người đàn ông mắt vằn đỏ vì gần như thức gần 2 ngày đêm liên tục trên hành trình chạy xe từ Bình Dương về Sơn La, cho hay.
Vợ chồng Đức mang theo cô con gái 2 tuổi, cùng bố mẹ vợ và em gái vợ vào Bình Dương "làm công ty", mong cuộc sống khấm khá hơn khi làm nương rẫy ở quê nhà. Bố vợ ở nhà trông cháu, 4 người còn lại đi làm công nhân, vừa được một tháng 5 ngày thì dịch bùng phát. Hôm đó, Đức vừa nhận lương tháng đầu tiên, tổng cộng được 5,7 triệu đồng.
Cứ nghĩ dịch nhanh chóng qua đi nên khi công ty đóng cửa, Đức động viên mọi người cố gắng chờ, hết dịch thì đi làm tiếp. Nhưng chờ mãi, một tháng, 2 tháng, rồi 3 tháng trôi qua, công ty vẫn chưa mở cửa trở lại.
"Tiền cạn dần, tôi phải vạy mượn để duy trì cuộc sống. Khoản nợ lên đến 20 triệu rồi. Nay thành phố nới lỏng hơn một chút, hai vợ chồng bàn nhau về quê thôi, ở lại thì chết đói mất", Đức kể.
Hai vợ chồng và con gái chạy một chiếc xe máy, trên xe là tất cả tài sản của họ. Đức lấy cái chăn của con lót vào yên xe cho đỡ xóc, ngày 2/10, nhập đoàn chạy ngược ra Bắc. Bố mẹ vợ và em vợ không có xe máy, phải ở lại, chờ tỉnh Sơn La tổ chức vào đón công dân thì về.
Sợ bất trắc, sợ xe hỏng, sợ lây nhiễm dịch bệnh trên đường về... nhưng trong tình thế này, Đức không còn sự lựa chọn khác. Đoàn xe máy rồng rắn theo nhau rời nơi đã từng là hi vọng để về quê tránh dịch mang theo tâm tư trĩu nặng. Dọc đường, mỗi khi mệt quá, Đức dừng xe, dựng chiếc lều lên cho vợ con nghỉ, còn mình thì chợp mắt một lát, không dám nghỉ lâu vì sợ lạc đoàn.
"Chắc về anh chị cho con lợn, con gà rồi nuôi thôi", Đức nói về tương lai khi khoản nợ 20 triệu đồng lơ lửng trên đầu và quãng đường từ Nghệ An ra tới Sơn La vẫn xa vời vợi...
Cứ đi đã, rồi kiểu gì cũng về đến nhà
Gửi con cho ông bà ngoại, vợ chồng Lý Mý Na và Thào Thị Xai (quê Hà Giang) vào Bình Dương làm thuê cho một công ty chuyên về sản xuất nhựa. "Làm 2 tháng, nghỉ dịch 3 tháng", Lý Mý Na "tổng kết" ngắn gọn về quãng thời gian gần nửa năm qua của mình.
Hai vợ chồng ru rú trong phòng trọ vì sợ lây Covid-19. Sợ dịch, nhớ con, tối nào Thào Thị Xai cũng khóc, đòi về. Hai vợ chồng may mắn được tiêm một mũi vaccine phòng Covid-19, nhân khi Bình Dương nới lỏng giãn cách, Lý Mý Na đưa vợ về quê.
"Tiền hết rồi, ở lại thì không có gì ăn, công ty cũng chưa mở cửa để mà làm việc tiếp. Đi xe máy, đường đông quá cũng sợ, lúc đầu thì mở bản đồ trên điện thoại để chạy, sau được công an đưa về, không sợ nữa", Thào Thị Xai nói.
Anh Thào A Cháng (trú huyện Phù Yên, Sơn La) và vợ vào Bình Dương làm việc đã lâu, để 3 đứa con ở nhà nhờ ông bà trông nom. Nghỉ hè, cậu bé Thào A Long được bố mẹ đón vào chơi rồi mắc kẹt ở lại do dịch Covid-19 bùng phát. Khi Bình Dương nới lỏng giãn cách, anh Thào A Cháng quyết định đưa con về "để cháu đi học". Thào A Long đã muộn học một tháng so với các bạn.
"Đi 4 ngày rồi với ra đến đây", anh Cháng nói. Khuôn mặt của anh cháy sém, nhọ nhem bụi đường, đôi bàn tay hằn vệt cháy nắng. Trong lúc tạm dừng chờ hướng dẫn để đi tiếp, cậu bé Thào A Long bóp đầu cho mẹ. Hành trình hơn 1.000 cây số khiến một chiếc dép của Long rơi đâu mất không rõ nhưng cậu vẫn nhất quyết không bỏ chiếc dép còn lại.
Hỏi đi bao lâu nữa mới về đến nhà, Thào A Cháng lắc đầu: "Không biết đâu. Cứ đi đã, kiểu gì cũng về đến nhà".
Có lẽ, chính niềm tin "cứ đi rồi sẽ về" đã giúp người đàn ông này đủ tỉnh táo để chạy xe suốt 4 ngày qua trong hành trình về quê tránh dịch, nơi có 2 đứa con khác đang chờ...