Hỗ trợ lao động hậu Covid-19:
Công nhân về quê tránh dịch, trùng trùng nỗi niềm
(Dân trí) - Từ tháng 7, dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp nhất kể từ khi xâm nhập vào Việt Nam. Cũng từ đây, hàng nghìn người lao động mất việc hoặc thu nhập không đảm bảo, phải về lại Đắk Nông.
Cuộc hồi hương bộn bề trăn trở
Sáng sớm 19/8, gia đình anh Vũ Tự Hào, chị Nguyễn Thị Thu Nga (thôn 3, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) mang theo con nhỏ cùng hành lý, rời TPHCM để về tỉnh Đắk Nông.
Cuộc hồi hương có lẽ là đặc biệt nhất đối với gia đình 3 người khi phải rời nơi mà họ làm việc suốt nhiều năm qua bằng chuyến xe đưa đón của tỉnh Đắk Nông.
Năm 2018, hai vợ chồng chị Nga xuống TPHCM mưu sinh bằng nghề thợ hồ. Thời điểm chưa có dịch Covid-19, công trình xây dựng rất nhiều nên không sợ hết việc. Thu nhập của hai vợ chồng cũng đủ để trang trải cuộc sống ở thành phố và cho con ăn học.
Đầu năm 2021, anh Hào bị tai nạn giao thông, chưa thể đi làm được. Toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình trông vào tiền công phụ hồ của chị Nga.
Khó khăn chưa qua thì từ đầu tháng 6, dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, chị Nga mất việc. Gần 2 tháng, cả gia đình phải chạy ăn từng bữa và sống nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cầm trong căn phòng trọ chỉ khoảng 20 m2.
Được đón về, gia đình chị Nga gói ghém toàn bộ đồ đạc cần thiết rồi trả lại phòng trọ vì quyết định ở lại quê sinh sống. Vợ chồng chị xác định, nếu cố gắng làm việc thì cuộc sống ở quê cũng không đến nỗi khó khăn, không quá lệ thuộc vào những công trình xây dựng.
May mắn hơn, chị Hà Thị Quế (xã Nam Xuân, huyện Krông Nô) trở về tỉnh Đắk Nông từ trước khi các tỉnh phía Nam siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, vì vội rời Bình Dương nên lương tháng 7, chị Quế chưa được lĩnh và có nguy cơ mất trắng nếu không quay lại làm việc.
Chồng chị Quế là người khuyết tật, chỉ quanh quẩn bên vườn rẫy. Năm 2020, khi con út mới được 2 tuổi, chị Quế để con ở nhà rồi cùng một số phụ nữ khác trong xã xuống Bình Dương làm công nhân cho một nhà máy sản xuất gỗ công nghiệp.
Công việc vất vả, thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/ tháng buộc chị Quế liên tục "nhảy cóc" qua các công ty khác nhau với hy vọng sẽ cải thiện được đồng lương công nhân của mình.
Chị Quế cho rằng mình may mắn hơn nhiều công nhân khác vì họ vẫn đang "mắc kẹt" lại ở các khu công nghiệp. Thế nhưng trong lòng chị không khỏi trăn trở về công việc, cuộc sống của gia đình trong những tháng ngày tới.
"Chúng tôi là lao động chân tay (lao động phổ thông- PV), chỉ biết xin vào làm công nhân khu công nghiệp. Tôi cũng muốn ở nhà, chăm sóc con cái nhưng ở quê chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thì không đủ sống. Đi làm công nhân, mỗi tháng cũng tiết kiệm được vài đồng để gửi về cho con", người phụ nữ 38 tuổi thở dài, lo lắng.
Gánh nặng cơm áo sau cách ly
Làm công nhân cho một công ty giày da tại Đồng Nai, thu nhập mỗi tháng của cả hai vợ chồng chị Võ Thị Hường (phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa) cộng lại cũng chỉ hơn 10 triệu đồng.
Từ đầu năm 2021, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, công ty thu hẹp sản xuất, lương của cả hai vợ chồng cũng giảm đi đáng kể.
Đặc biệt từ tháng 5, một số phân xưởng phải tạm ngừng hoạt động, cả nhà chị Hường lao đao, đứng trước nguy cơ thiếu đói. Đầu tháng 6, gia đình chị Hường quyết định rời tỉnh Đồng Nai để về Đắk Nông.
Vừa hết thời gian cách ly, vợ chồng nữ công nhân vội vã tìm việc để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, dù đã nộp hồ sơ xin việc vào một số doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng vẫn chưa đơn vị nào tiếp nhận.
Nữ công nhân 32 tuổi cho biết: "Thực tế ở Đắk Nông có rất ít doanh nghiệp cần lao động phổ thông, nhất là thời điểm dịch bệnh như hiện nay. Sau hơn 3 tháng ở nhà, số tiền tiết kiệm và tiền hỗ trợ thất nghiệp của hai vợ chồng cũng đã sử dụng gần hết".
Hiện tại, chị Hường cùng chồng xin vào phụ việc cho cơ sở sắt thép trên địa bàn thành phố. Số tiền thu nhập không lớn, nhưng cũng đủ để sắm sách vở, quần áo cho hai con đầu năm học mới.
Cũng giống chị Hường, nhiều người lao động cố gắng cầm cự trong mùa dịch bằng số tiền tiết kiệm hoặc tiền trợ cấp sau khi mất việc. Ngay sau khi kết thúc cách ly, họ phải nhanh chóng tìm một công việc mới.
Tuy nhiên, khó khăn nhất với người lao động là chưa tiếp cận được kênh thông tin việc làm uy tín. Nhiều người phải tự xoay xở đi tìm việc, thậm chí có người chấp nhận làm những công việc không phù hợp với bản thân.
Theo thống kê, tỉnh Đắk Nông hiện có khoảng 20.000 người trong độ tuổi lao động đang làm việc các khu công nghiệp, khu chế xuất ở phía Nam.
Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, người thất nghiệp, người bị giảm lương thậm chí có người phải bỏ việc không nhận lương để về quê sinh sống. Từ đầu tháng 7 tới hết tháng 9, đã có khoảng 10.000 người lao động từ các tỉnh phía Nam trở về Đắk Nông.
Đặng Dương
Kỳ 2: Bài toán việc làm cho lao động tại chỗ