Làng nón ngựa hơn 300 tuổi gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc

Doãn Công

(Dân trí) - Nón ngựa Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát (Bình Định) không chỉ là chiếc nón lá thông thường mà là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với lịch sử nghĩa quân Tây Sơn thần tốc.

Ngày 12/9, tại làng nghề truyền thống nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường), UBND huyện Phù Cát phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia".

Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nón ngựa Phú Gia từ lâu là một trong những sản phẩm thủ công truyền thống nổi tiếng, đã và đang được người dân xã Cát Tường, huyện Phù Cát duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Làng nón ngựa hơn 300 tuổi gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - 1

Lễ đón bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia "Nghề chằm nón ngựa Phú Gia" (Ảnh: Doãn Công).

Ông Giang cho rằng nón ngựa Phú Gia là một kiệt tác của nón lá. Ngày xưa, loại nón này chỉ được dành cho giới có chức sắc, thượng lưu, quyền quý.

Những mẫu hoa văn "long, lân, quy, phụng" được thêu trên nón là biểu hiện quyền uy của người đội trong thời đại phong kiến. Đặc biệt, nhìn vào hoa văn có thể biết phẩm hàm của vị quan đang sử dụng. Hiện nay, nón ngựa Phú Gia có mặt ở khắp nơi, từ Bắc vào Nam và cả nước ngoài.

"Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị bền vững và sức sống mãnh liệt của làng nghề, tôn vinh và biểu dương cộng đồng dân cư, nhất là các nghệ nhân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản", ông Giang nói.

Theo nghệ nhân Đỗ Văn Lan (74 tuổi, thôn Phú Gia, xã Cát Tường), nón ngựa Phú Gia được làm thủ công với nhiều công đoạn công phu, mỗi công đoạn lại yêu cầu cách thức khác nhau.

Làng nón ngựa hơn 300 tuổi gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - 2

Nón ngựa Phú Gia tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của phụ nữ Việt Nam (Ảnh: Doãn Công).

"Để làm ra chiếc nón ngựa, nghệ nhân phải thực hiện 10 công đoạn, từ tạo sườn cho đến thêu thuyền, kết lá… Nón có kết cấu rất đặc biệt và rất bền chắc, nguyên liệu làm nón là lá kè (lá cọ) dùng lợp nón, ống giang (cật), rễ dứa… kết thành 10 lớp. Mỗi chiếc nón ngựa nếu được làm bài bản, đúng kỹ thuật và giữ gìn cẩn thận, độ bền sử dụng có thể lên đến cả trăm năm", nghệ nhân Đỗ Văn Lan chia sẻ.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc nêu trên, nghề chằm nón ngựa Phú Gia được Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 9/4. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ 5 của Bình Định được ghi danh.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho rằng, mảnh đất võ Bình Định có truyền thống lịch sử lâu năm và bề dày văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó không thể không kể đến Làng nghề nón ngựa Phú Gia với hơn 300 năm.

Làng nón ngựa hơn 300 tuổi gắn với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc - 3

Nghệ nhân Đỗ Văn Lan giới thiệu về chiếc nón ngựa Phú Gia có tuổi đời hơn 100 năm (Ảnh: Doãn Công).

Nón ngựa Phú Gia biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ gắn liền với đội quân Tây Sơn thần tốc. Dù trải qua hàng trăm năm lịch sử, những chiếc nón nơi đây vẫn mang đậm bản sắc văn hóa của miền đất võ, trời văn.

"Nghề chằm nón ngựa Phú Gia được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự, đầy tự hào của các nghệ nhân và nhân dân huyện Phù Cát. Những năm gần đây, làng nón ngựa Phú Gia được du khách trong và ngoài nước rất ưa thích, nhiều du khách nước ngoài đã đặt hàng, mua nón ngựa đem về nước", ông Hưng nói.

Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Bình Định. Mỗi phiên chợ (5 ngày một phiên) có gần 1.000 chiếc nón ngựa Phú Gia được xuất đi các tỉnh thành khắp cả nước.