Nghề làm tôm khô và lễ hội vía Bà Thủy Long ở Cà Mau vào di sản quốc gia
(Dân trí) - Cà Mau có thêm một nghề và lễ hội truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 14/11, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định đưa nghề thủ công truyền thống làm tôm khô và lễ hội truyền thống vía Bà Thủy Long ở Cà Mau vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ đề nghị Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Cà Mau là một trong những tỉnh nuôi tôm lớn nhất cả nước, với sản lượng mỗi năm hàng trăm ngàn tấn tôm nguyên liệu. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để tỉnh duy trì và phát triển nghề làm tôm khô.
Nghề làm tôm khô hầu như có khắp các địa phương trong tỉnh Cà Mau, với nhiều chủng loại, sản phẩm tôm khô đa dạng từ tôm đất, tôm bạc, tôm sú, tôm thẻ,…
Đây là nghề truyền thống tồn tại lâu đời và đang được tỉnh tiếp tục phát triển, trở thành một trong những thương hiệu đặc sản của Cà Mau.
Lễ hội vía Bà Thủy Long (xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) có từ cả trăm năm qua, là một tín ngưỡng cổ truyền của người dân trong vùng.
Hằng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 15 đến ngày 17/2 âm lịch, thu hút hàng nghìn người dân trong và ngoài tỉnh đến tham dự.
Đây là một nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhắc nhở con cháu giữ gìn đạo đức, lối sống, đoàn kết yêu thương; thể hiện tính cộng đồng cao.
Trước đó, nghề Muối ba khía, nghề Gác kèo ong, lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc ở Cà Mau đã được đưa vào Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.