1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Làng nấu mật mía truyền thống tất bật ngày cuối năm

Xuân Sinh

(Dân trí) - Những ngày này, làng làm mật mía có 50 năm tuổi ở xã Thọ Điền (Hà Tĩnh) tất bật ngày đêm sản xuất để phục dịp Tết.

Là một trong những khu vực trồng mía lớn nhất của Hà Tĩnh, những ngày cuối năm, hàng chục hộ dân tại xã Thọ Điền (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) lại tất bật với công việc ép mía, nấu mật phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2023.

Chị Đoàn Thị Nhàn (thôn 1, xã Thọ Điền) là một trong những hộ sản xuất mật mía lớn nhất nhì địa phương này. Mỗi ngày, gia đình chị ép được khoảng 4-5 tấn mía tươi, nấu được khoảng 400 lít mật thương phẩm. Với việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, các quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh nên sản phẩm mật mía của gia đình chị, cũng như những hộ dân trong xã bán rất được giá, khoảng 60.000-65.000 đồng/lít.

Làng nấu mật mía truyền thống tất bật ngày cuối năm - 1

Làng làm mật mía tất bật ngày đêm những ngày cuối năm.

"Mía được trồng từ đầu năm, đến cuối năm mình thu hoạch cây sau đó ép lấy mật. Sản phẩm mật mía Thọ Điền đã có từ hàng chục năm nay rồi và được nhiều người ưa chuộng", chị Nhàn cho biết.

Năm 2020, sản phẩm mật mía của gia đình chị Nhàn được công nhận OCOP (sản phẩm thế mạnh địa phương) cấp tỉnh. Khi thành phẩm, mật mía được cho vào chai nhựa với nhiều kích cỡ khác nhau, sau đó dán tem nhãn để người tiêu dùng có thể kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ.

"Từ khi sản phẩm mật mía của gia đình được công nhận OCOP cấp tỉnh, người tiêu dùng đã biết đến chúng tôi nhiều hơn. Chính vì vậy mà năm nay, chúng tôi phải làm việc hết công suất để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy vất vả nhưng có thêm thu nhập và góp phần tiêu thụ mía cho bà con nên ai cũng phấn khởi", chị Nhàn nói thêm.

Làng nấu mật mía truyền thống tất bật ngày cuối năm - 2

Hiện xã Thọ Điền còn khoảng hơn 100 hộ dân duy trì nghề trồng mía.

Tương tự, gia đình anh Phan Văn Anh (thôn 5, xã Thọ Điền) cũng có hơn 30 năm làm nghề nấu mật mía. Mỗi mùa vụ, gia đình anh cung cấp ra thị trường hơn 5 tạ mật mía.

"Chúng tôi phải dậy từ lúc 4h để ép mía lấy nước. Sau đó nấu 3-4 tiếng đồng hồ, mới cho ra sản phẩm mật cô đặc, nguyên chất. Mật mía ở Thọ Điền màu sắc đẹp, thơm ngon nên được nhiều người ưa thích. Mật mía có thể dùng để chấm với bánh chưng ngày tết, hoặc làm gia vị cho nhiều món ăn", anh Anh cho biết.

Làng nấu mật mía truyền thống tất bật ngày cuối năm - 3

Sau 3-4 tiếng đồng hồ mới cho ra sản phẩm mật mía đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Đăng Nhàn, Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho biết, nghề làm mật mía ở địa phương đã có hơn 50 năm nay. Hiện toàn xã có hơn 100 hộ dân trồng mía, với diện tích gần 30ha. Trung bình mỗi năm, làng mía của địa phương cung cấp ra thị trường gần 160 tấn mật thương phẩm, mang về cho người dân nguồn thu khá.

"Dịp tết năm nay, dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát nên sức tiêu thụ mật mía của khách hàng tăng cao. Nhờ đó, hoạt động ép mía, nấu mật của bà con cũng trở nên bận rộn và sôi động hơn. Đặc biệt, công việc cho thu nhập cao hơn năm ngoái nên bà con rất phấn khởi. Ước tính toàn xã có doanh thu hơn 10 tỷ đồng từ sản phẩm thế mạnh này".

Làng nấu mật mía truyền thống tất bật ngày cuối năm - 4
Làng nấu mật mía truyền thống tất bật ngày cuối năm - 5

Mật mía có thể dùng để chấm bánh chưng ngày Tết, hoặc làm gia vị trong nhiều món ăn.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thọ Điền, hiện địa phương đã xây dựng Hợp tác xã mật mía Sơn Thọ và vận động người dân tham gia để mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện thu nhập cho người dân.