Hồi hương nuôi loài chỉ ăn tre nứa, anh nông dân bất ngờ về thành quả
(Dân trí) - Từng buôn ba đủ thứ nghề, với khao khát được làm giàu trên chính quê hương của mình, anh Chinh quyết định hồi hương khởi nghiệp với con dúi. Sau gần 2 năm, anh đã gặt hái những thành quả bất ngờ.
Anh Nguyễn Gia Chinh (40 tuổi, trú ở thôn Đồng Hòa, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, phải xa quê lập nghiệp từ sớm. Năm 2020, anh được bạn bè giới thiệu tham quan mô hình nuôi dúi ở tỉnh Quảng Ngãi. Thấy điều kiện chăn nuôi loài vật này khá phù hợp ở quê nhà nên anh quyết định hồi hương khởi nghiệp.
"Mình cũng bôn ba, bươn chải ở nhiều tỉnh, thành trong Nam ngoài Bắc, khao khát muốn về quê lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Khi tham quan mô hình nuôi dúi ở một tỉnh phía Nam, tôi thấy phù hợp nên quyết định về quê lập nghiệp với loại vật nuôi này", anh Chính cho biết.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, anh Chinh bắt đầu thực hiện dự án nuôi dúi của mình. Đầu năm 2021, anh mua 100 con dúi giống về nuôi thử tại thôn Đồng Hòa, xã Tân Dân, theo hình thức trang trại. Qua thời gian chăm sóc, đàn dúi sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao.
"Công việc nuôi dúi không quá phức tạp. Thức ăn của loài này có tre, nứa, ngô, mía, cỏ voi... đều là những sản phẩm dễ kiếm tại địa phương. Ưu điểm lớn nhất là dúi không cần uống nước, mỗi ngày chỉ ăn một bữa vào buổi chiều tối nên lượng chất thải rất ít và sạch. Đặc biệt, dúi ít bệnh tật, không gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, môi trường sống của dúi phải khô ráo, để ẩm ướt thì con dúi dễ bị bệnh", anh Chinh chia sẻ.
Chuồng nuôi dúi cũng được thiết kế đơn giản, có thể xây bằng bê tông hoặc dùng gạch lát nền gắn lại với nhau theo kích thước 60x60cm, kín gió, ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Dúi có đặc tính thích ở nơi ít ánh sáng, khu vực nuôi càng kín đáo thì dúi phát triển càng nhanh.
Theo anh Chinh, để nuôi dúi thành công, đòi hỏi người nuôi phải thực sự chuyên tâm, theo dõi vật nuôi thường xuyên. Thời gian tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ đều phải tính toán phù hợp. Việc lựa chọn ghép đôi cũng cần lưu ý, con đực và con cái không cùng huyết thống thì chất lượng và số lượng con giống cao hơn. Trung bình mỗi năm, đàn dúi cái đẻ 3-4 lứa, mỗi lứa 2-3 con. Sau gần 2 năm gắn bó với nghề, anh Chinh tăng tổng đàn từ 100 con ban đầu lên hơn 500 con, trong đó hơn 200 con dúi mẹ.
"Dúi con được khoảng 2-3 tháng, đạt trọng lượng 400-500g, có thể bán giống 1-1,2 triệu đồng/cặp. Đối với dúi thương phẩm, thời gian nuôi 6-7 tháng, có thể đạt trọng lượng 1,2-1,8kg/con, bán với giá khoảng 500.000 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ hết các chi phí, tôi thu về gần 500 triệu đồng. Đây là thành quả mà tôi chưa bao giờ ngờ tới", anh Nguyễn Gia Chinh cho biết.
Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm cho 2 lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng. Anh Chinh cũng cho biết, sắp tới anh sẽ mở rộng quy mô trang trại, đồng thời sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi loài vật này với người dân.
Ông Trần văn Kính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Dân cho biết, mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Gia Chinh là mô hình mới tại địa phương. Qua đánh giá, mô hình mang lại hiệu quả tốt, chi phí đầu tư thấp, không cần nhiều diện tích, không gây ô nhiễm môi trường mà giá trị kinh tế mang lại rất cao.
"Đây là mô hình nuôi dúi lớn nhất tại địa phương. Hiện đầu ra sản phẩm thuận lợi, được giá nên đã đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho gia đình. So với làm lúa, thì nuôi dúi mang lại thu nhập cao hơn gấp 50-60 lần", ông Kính cho biết.