Tất bật những mẻ mật mía cuối năm ở Làng Găng
(Dân trí) - Làng Găng, xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An có nghề nấu mật mía truyền thống lâu đời. Trước đây, bà con làm thủ công, nay áp dụng máy móc, tiết kiệm thời gian và cho chất lượng mật tốt hơn.
Nhiều lao động tại gia đình chị Trần Lê Na, Làng Găng đang tất bật cả ngày lẫn đêm để làm mật mía. Theo chị Na, nếu ngày thường chỉ ép 7-8 tấn mía thì nay tăng công suất lên 12-15 tấn/ngày.
Cơ sở của gia đình chị Na đã đầu tư máy móc hiện đại thay thế sức người ở các công đoạn sản xuất mật. Sau khi trừ các chi phí, mỗi thùng phi mật mía, gia đình chị Na lãi 1,3-1,5 triệu đồng.
"Hiện nay vào vụ chính ép mía để phục vụ cho khách hàng dịp Tết, nhờ thời tiết thuận lợi nên công việc khá suôn sẻ. Năm nay, nhân công lao động có cao hơn những năm trước nhưng bù lại giá mật tăng lên, người dân làng nghề rất phấn khởi", chị Na chia sẻ.
Ông Trần Văn Hùng là hộ sản xuất mật nhiều nhất của Làng Găng, trung bình mỗi ngày gia đình ông nấu được 4-5 thùng phi mật, sau khi trừ chi phí, mỗi thùng phi gia đình ông lãi hơn 1 triệu đồng.
Theo ông Hùng, bắt đầu từ cuối tháng 10 đầu tháng 11 là thời điểm gia đình nào cũng đỏ lửa, nấu mật mía từ sáng đến tối. Để sản xuất ra mật mía, theo ông Hùng phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ thu hoạch nguyên liệu ngoài ruộng về, tuốt vỏ, ép nước mía, nấu và chắt lọc mật...
Muốn mật ngon, người nấu phải đứng canh các chảo lớn trong nhiều giờ để đảo liên tục và đều tay. Khi mật sôi thì vớt váng, nếu không chú ý sẽ bị cháy, có màu đen và không được thơm ngon, khi nước mật mía bắt đầu sền sệt, chuyển sang màu nâu vàng mới hoàn thành việc nấu mật.
Để mật được ngon, trước khi cho vào thùng phi, người làm nghề lọc cặn qua lớp vải màn. Khi mật nguội sẽ có một lớp bọt đường lên trên sản phẩm mới hoàn thành.
"Mỗi năm gia đình bán khoảng 45-50 thùng phi mật, mỗi phi giá khoảng 4,5 triệu đồng như hiện nay, cho thu nhập 170-200 triệu đồng, có năm thì hơn, mật làm ra đến đâu bán hết đến đó", ông Hùng cho biết.
Được biết, hiện nay, toàn xã Nghĩa Hưng có khoảng 500 hộ dân làm nghề mật mía; trung bình mỗi gia đình vào vụ mía nấu mật mía, tạo công ăn việc làm cho 5-7 lao động dôi dư, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế địa phương.
Ngoài ra cung cấp mật mía, các hộ còn làm ra các sản phẩm mới từ mật mía như: nấu kẹo, đường phèn, đường thảo dược... Chính quyền địa phương đang từng bước hoàn thiện các thủ tục để mật mía Làng Găng sớm được công nhận là sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm thế mạnh).
Ông Đinh Thế Hiển, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết, để mật mía Làng Găng phát huy thế mạnh, xã đã vận động bà con áp dụng máy móc hiện đại vào ép mật, giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian.
"Việc sử dụng máy móc công nghệ sẽ cho chất lượng mật tốt hơn, giảm nhân công... Ngoài ra các hộ dân còn ép bán đường bánh, đường phèn…góp phần vào nâng cao đời sống cho bà con nhân dân", ông Hiển chia sẻ.
Tết Nguyên đán đang đến gần, không khí lao động, sản xuất của người dân làm nghề mật mía Làng Găng cũng tất bật, nhộn nhịp hơn.