Làng mai lớn nhất miền Tây trầm lắng lạ thường những ngày giáp Tết
(Dân trí) - Mọi năm, tầm tháng 11 âm lịch là thương lái đã đổ về làng mai Phước Định để đặt cọc, nhưng năm nay khá trầm lắng. Hiện, các chủ vườn đã thuê nhân công lặt lá để cây mai "bắt mắt" thương lái hơn.
Thường lệ, cứ giữa tháng Chạp, người dân miền Tây lại tất bật lặt lá mai đón Tết. Với những địa phương có làng mai kiểng nổi tiếng như làng mai Phước Định (Vĩnh Long), làng mai Đông Phước (Hậu Giang), thời điểm này là dịp để lao động tự do kiếm mỗi ngày từ 250.000 đến 300.000 đồng.
Làng mai Phước Định thuộc xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long được xem là thủ phủ hoa mai của miền Tây.
Làng có lịch sử hình thành hơn 60 năm, hiện có 150 hộ sản xuất mai vàng, tổng số lượng trên 50.000 gốc lớn nhỏ. Nhiều năm qua, mai vàng của làng nghề này cung cấp số lượng lớn cho thị trường hoa Tết trên cả nước.
Mỗi nhà có từ vài chục đến hàng trăm cây. Để hoa trổ đúng Tết, các chủ vườn phải thuê nhân công lặt lá.
Chị Lê Thị Thắm (ngụ xã Bình Hòa Phước) cho biết: "Mỗi năm người ta mướn lặt lá mai một lần, tiền công là 250.000đ/ngày. Thông thường khoảng ngày 12 âm lịch bà con sẽ lặt lá, chậm nhất thì 17-18 âm lịch phải lặt cho xong ".
Còn chị Lê Thị Hoàng Diệu ngụ xã Hòa Ninh chia sẻ, khi lặt phải cẩn thận, hạn chế xước nhánh. Người lặt lá mai cũng phải biết nụ lớn hay nhỏ và lặt lá vào thời điểm nào để mai nở đúng Tết, phải cẩn thận để không làm rụng nụ hoa.
Bên cạnh việc quan tâm tạo dáng, sửa thân, cứ đến mùa lặt lá mai, bà con làng nghề lại quan sát thời tiết, rồi xem sự phát triển của cây mai để chọn ngày lặt lá cho phù hợp, giúp mai nở đúng ngày và nở nhiều để "bắt mắt" thương lái.
Ông Lê Văn Tý, Giám đốc HTX Mai vàng Phước Định, cho biết, tuy diện tích sản xuất của làng nghề không quá lớn nhưng hàng chục năm qua, cây mai đã đem lại thu nhập cao cho người dân nơi đây. Theo lời ông Tý, nông dân bán một cây mai giá tiền lãi tương đương hoa lợi của 10 công (1ha) vườn.
Cũng theo ông Tý, điểm đặc trưng của mai Phước Định là các nông hộ sưu tầm mai vàng tự nhiên (mai phôi) ở nhiều nơi, sau đó đem về vườn chăm sóc, uốn nắn, chỉnh sửa hình dáng để nâng tầm giá trị của cây. Thế nên, dù làng nghề hình thành 60 năm, nhưng nhiều cây mai tại vườn lại đạt cả trăm năm tuổi.
"Những cây mai phôi đưa về phải mất ít nhất vài năm, thậm chí mất 8 đến 10 năm uốn nắn mới đạt thành phẩm. Một cây mai đẹp phải hội tụ đủ 4 yếu tố 'nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ nụ'. Tùy thuộc độ tuổi, dáng thế, mỗi cây ở đây có giá từ 100 triệu đến hơn 1 tỷ đồng", ông Tý nói thêm.
Theo Giám đốc HTX, mọi năm, làng mai buôn bán rất đắt, tầm tháng 11 âm lịch đã có thương lái đến xem mai, dò hỏi giá cả. Tuy nhiên, năm nay thị trường mai vẫn còn trầm lắng, thương lái và người dân các tỉnh đến xem và đặt hàng mai chưa nhiều. Nguyên nhân có thể do thương lái chờ tỉa lá xong, xem nụ mới chọn mua mai.