Làm gì khi bị sa thải ở tuổi ngoài 30?

Ngày càng nhiều công nhân ngoài 30 tuổi bị sa thải và khó tìm được việc làm mới. Hiện tượng này diễn ra âm ỉ trong vài năm qua và cần có giải pháp tháo gỡ.

Làm gì khi bị sa thải ở tuổi ngoài 30?

Qua nghiên cứu và khảo sát, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hơn 80% lao động trên 35 tuổi bị đào thải hoặc tự bỏ việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đặc biệt, ở tuổi trên 30 là giai đoạn người lao động cần ổn định về thu nhập để chăm lo, đảm bảo cuộc sống gia đình và tương lai con em. Nhưng đây cũng là thời điểm người lao động dễ bị mất việc làm nhất và khó tìm được việc làm mới sau khi bị sa thải .

Theo điều tra của Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 triệu lao động tuổi từ 18 đến 30 đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, sẽ có từ 2- 3 triệu người bị đào thải trong vòng 10 năm tới.

Nhân công giá rẻ sẽ ko còn là thế mạnh của Việt Nam nữa, nếu theo chiều hướng công nhân có thể bị thừa và sa thải ngay khi có thâm niên, bởi công việc đơn giản không cần nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, một dây chuyền tự động không quá phức tạp cũng có thể thay thế hàng trăm nhân công lắp ráp. Người lao động Việt Nam cần tính toán nghề nghiệp phù hợp, cũng như vươn lên học hỏi.

Các nhà quản lý cũng cần có dự báo, sớm quy hoạch đào tạo nghề, hướng nghiệp, và bảo vệ người lao động trước những rủi ro và biến động.

Đối với nhiều lao động ngoài 30 tuổi, mất việc sẽ khiến họ khá bế tắc. Ở tuổi từ 30 đến 40 tuổi, hầu hết lao động đều đã có gia đình và phải nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, dù bị sa thải nhưng người lao động rất khó để khiếu nại chủ doanh vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động.

Thực tế đã có những doanh nghiệp có phương án để sử dụng lao động tốt hơn thay vì kiểu "vắt chanh bỏ vỏ". Có những doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ xã hội của mình khi bố trí tạo việc làm phù hợp cho những công nhân đã cống hiến nhiều năm cho doanh nghiệp, thay vì tìm cách sa thải, hoặc cố tình khiến họ phải tự thôi việc.

Về vấn đề này, PGS TS. Vũ Quang Thọ - Viện Nghiên cứu Công nhân, Công đoàn - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động, Thương bình & Xã hội đã có những chia sẻ và nhận định trong chương trình Sự kiện và Bình luận.

Theo VTV.VN