Hàn Quốc đề nghị được sa thải lao động Việt Nam khai man năng lực

Trong cuộc đối thoại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2015 (VBF 2015), Hiệp hội TM Hàn Quốc tại Việt Nam đề nghị có luật cho phép người sử dụng lao động ngay lập tức sa thải lao động gian dối về năng lực và kinh nghiệm.

Có rất nhiều khó khăn mà doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam đang gặp phải. Qua Diễn đàn này, các doanh nghiệp mong chờ một giải pháp toàn vẹn một cách nhanh nhất.

Sa thải lao động ngay lập tức

Dẫn lại Điều 19 của Bộ luật lao động 2012, Hiệp hội TM Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, người lao động phải cung cấp thông tin cho người sử dụng lao động, trước khi giao kết hợp đồng lao động, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, kinh nghiệm và các vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.

Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, Bộ luật lao động và các văn bản pháp lý hướng dẫn không quy định về hậu quả nếu như người lao động chủ đích cung cấp các thông tin giả mạo về năng lực và kinh nghiệm của mình để ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động.

Theo quy định hiện hành của pháp luật lao động của Việt Nam, người sử dụng lao động không thể ngay lập tức chấm dứt hợp đồng lao động hay sa thải người lao động cho dù có phát hiện ra người lao động cung cấp thông tin không trung thực về các nội dung nêu trên. Ví dụ, trong trường hợp muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bên cạnh việc phải đáp ứng các yêu cầu nhất định, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động trước ít nhất 30 ngày trong trường hợp là hợp đồng xác định thời hạn.

Thực tế cho thấy trong việc người sử dụng lao động không thể ngay lập tức chấm dứt hợp đồng lao động hay sa thải người lao động giữ các vị trí quan trọng như giám đốc, tổng giám đốc, kế toán trưởng và các vị trí quản lý khác cũng như các vị trí yêu cầu giấy phép, chứng chỉ hành nghề, trình độ, kinh nghiệm theo quy định của pháp luật như luật sư, bác sĩ, kiến trúc sư… cho dù người lao động không đáp ứng yêu cầu của người lao động, điều này có thể mang lại rủi ro tiềm tàng và vô cùng lớn cho người sử dụng lao động.

DN Hàn Quốc mong muốn được phép sa thải ngay lập tức lao động gian dối về năng lực

DN Hàn Quốc mong muốn được phép sa thải ngay lập tức lao động gian dối về năng lực

Qua bất cập này, đại diện cơ quan Hiệp hội TM Hàn Quốc tại Việt Nam đề xuất bộ luật lao động Việt Nam nên bổ sung các quy định pháp luật liên quan cho phép người sử dụng lao động ngay lập tức sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu phát hiện ra các thông tin giả mạo về năng lực và kinh nghiệm của người lao động.

Đồng thời, người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động mà không cần tuân thủ theo Điều 129 của Bộ luật lao động về tạm đình chỉ công việc. Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị áp dụng các trường hợp hợp đồng dân sự vô hiệu để bổ sung cho các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu.

Quá khó khăn khi nhập khẩu thiết bị cũ

Thực hiện chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/08/2013 về việc tăng cường quản lý, kiểm soát việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 20/2014/TT-BKHCN quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng ngày 15/05/2014 và dự định có hiệu lực vào ngày 01/09/2014.

Theo Thông tư này, các máy móc và thiết bị đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu vào Việt Nam nếu thỏa mãn các điều kiện như: Thời gian sử dụng không quá 5 năm (tính từ năm sản xuất); có chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu từ 80% trở lên.

Tuy nhiên, trước luồng ý kiến phản đối từ phía các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thực thi Thông tư 20, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phải ban hành Quyết định 2279/QĐ-BKHCN ngày 29/08/2014 về việc ngưng hiệu lực thi hành đối với Thông tư này từ ngày 01/09/2014.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành và các cơ quan Nhà nước có liên quan đang thảo luận, lấy ý kiến từ các tổ chức và doanh nghiệp về điều kiện và thủ tục liên quan đến việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, qua các cuộc hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp để hoàn thiện bản dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20, phía doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng, bản dự thảo vẫn tiếp tục tồn tại những vấn đề gây tranh cãi khi cơ quan soạn thảo vẫn dựa trên thời gian sử dụng và chất lượng còn lại để xem xét việc nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng.

Theo bản dự thảo thông tư mới nhất sửa đổi Thông tư 20, thời gian đã qua sử dụng được điều chỉnh từ 5 năm lên thành 10 năm và chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu vẫn từ 80% trở lên.

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ rất khó để đáp ứng điều kiện về thời gian sử dụng 10 năm tính từ năm sản xuất và còn ít nhất 80% chất lượng so với chất lượng ban đầu. Thêm nữa, vẫn chưa có quy định rõ ràng về quy chuẩn để thẩm định thời gian đã sử dụng và chất lượng còn lại của máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng trong bản dự thảo thông tư.

Đối với các máy móc và dây chuyền sản xuất tự chế tạo, các chỉ số và tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm thường được coi là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp nên bên thứ ba nhập khẩu các sản phẩm đó khó tiếp cận và đánh giá được chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, một số tài liệu theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước Việt Nam lại không được ban hành bởi nước sản xuất. Điều này là nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong việc thực hiện thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào Việt Nam.

Từ thực tế đó, Hiệp hội TM Hàn Quốc tại Việt Nam đề xuất về việc xác định thời gian sử dụng nên bắt đầu tính từ ngày bắt đầu sử dụng thay vì tính từ năm sản xuất. Thêm vào đó, bản dự thảo thông tư nên quy định một cách cụ thể và chính xác các tiêu chuẩn thẩm định thời gian sử dụng và chất lượng còn lại cho các loại máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng khác nhau. Việc áp dụng một tiêu chuẩn cho tất cả các loại máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ là không hợp lý.
Theo Vietq.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm