Sa thải lao động trên 35 tuổi: Nguy cơ tăng số nhận BHXH một lần | Báo Dân trí

Sa thải lao động trên 35 tuổi: Nguy cơ tăng số nhận BHXH một lần

(Dân trí) - “Qua khảo sát 64 doanh nghiệp, nhiều người lao động nghỉ việc sau khi làm từ 6-7 năm. Lao động chỉ làm đến 31-32 tuổi và ít người làm đến 35 tuổi. Về lâu dài, điều này có nguy cơ tăng số lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần”.

Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) - trao đổi với báo giới tại cuộc họp báo do Bảo hiểm xã hội VN tổ chức chiều 26/7 tại Hà Nội.

Khẳng định tình trạng doanh nghiệp "thải loại" lao động trên 35 tuổi đang trở thành một xu hướng có thật, ông Lê Đình Quảng cho biết: "Tình trạng này đã diễn ra cách đây 6-7 năm nhưng tới thời điểm này diễn ra rõ hơn".

Cụ thể, qua thực tế giải quyết tình trạng thất nghiệp của BHXH Hà Nội trong năm 2017, cho thấy tình trạng cho lao động quá 35 tuổi nghỉ việc nhiều. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở lĩnh vực sử dụng lao động trực tiếp, không cần trình độ tay nghề cao và việc tuyển lao động mới không khó.

Sa thải lao động trên 35 tuổi: Nguy cơ tăng số nhận BHXH một lần - 1

“Sau 35-40 tuổi, sức khoẻ người lao động không còn nhanh nhạy, ít khả năng tiếp thu công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động. Trong khi đó, thời gian công tác dài tất yếu dẫn tới chi phí về tiền lương và BHXH của người lao động cao lên” - ông Lê Đình Quảng giải thích.

Đứng trước thực tế này, không ít doanh nghiệp đã thoả thuận chi một khoản tiền cao hơn quy định của pháp luật để người lao động tự xin nghỉ việc. Trong khi đó, nhiều người lao động không ý thức được tác dụng của chính sách bảo hiểm thất nghiệp với các trợ giúp về tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề...để giúp họ có thể sớm quay trở lại thị trường lao động.

Theo đại diện Ban Quan hệ lao động tại cuộc họp, điều này là một thách thức không nhỏ đối với quyền lợi của người lao động, các chính sách an sinh xã hội và giải quyết việc làm bền vững.

Ông Lê Đình Quảng giải thích: Thay vì đến các Trung tâm dịch vụ việc làm để đăng ký bảo hiểm thất nghiệp và bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, những lao động này sau khi kết thúc làm việc sẽ chọn cách nhận bảo hiểm xã hội một lần. Điều này khiến họ khó có cơ hội tìm kiếm công việc mới ở khu vực có quan hệ lao động, trong khi tay nghề thấp, tuổi đời đã cao.

Thực tế trên buộc người lao động phải quay về khu vực không có quan hệ lao động và không tham gia vào hệ thống BHXH.

“Đây là sự lãng phí lớn đối với nguồn lao động của quốc gia. Trong khi đó, Luật Lao động quy định nam nghỉ hưu ở tuổi 60, nữ 55. Cần có sự điều chỉnh và sửa đổi về pháp luật lao động theo hướng tạo việc làm bền vững. Tuy nhiên, điều này cũng rất khó bởi pháp luật lao động xây dựng trên cơ chế thị trường linh hoạt” - ông Lê Đình Quảng nói.

Cũng theo ông Lê Đình Quảng, về phía doanh nghiệp cần có ý thức trách nhiệm xã hội: “Người lao động đã gắn bó cả thời trẻ tuổi thì doanh nghiệp nên có chính sách xã hội với lao động. Mặt khác, người lao động cũng nên có ý thức, đừng vì lợi ích trước mắt - khoản trợ cấp cao mà chấp nhận nghỉ việc”.

Việc sa thải lao động trên 35 tuổi tác động tới chính sách an sinh xã hội

Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, khẳng định việc sa thải công nhân lao động trên 35 tuổi đang tác động lớn hệ thống an sinh xã hội, làm gia tăng việc nhận BHXH một lần.

“Ban thực hiện chính sách BHXH cần có báo cáo phân tích tình trạng người lao động trên 35 tuổi nghỉ việc qua hệ thống thống kê của ngành BHXH, để từ đó có tham vấn chính sách, cũng như định hướng tuyên truyền cụ thể hơn” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Đà Nẵng: Tổ chức phiên giao dịch việc làm cho lao động hồi hương từ Hàn Quốc

Theo lãnh đạo Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), dự kiến trong tháng 8/2017, Trung tâm sẽ kết hợp với Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng tổ chức Phiên giao dịch việc làm cho lao động VN hồi hương từ Hàn Quốc.

Sa thải lao động trên 35 tuổi: Nguy cơ tăng số nhận BHXH một lần - 2

Đối tượng dự tuyển chủ yếu của chương trình là người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS về nước (Visa E9). Tham dự Phiên giao dịch việc làm có các doanh nghiệp Hàn Quốc đóng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và các khu vực lân cận. Các chỉ tiêu tuyển dụng chủ yếu là phiên dịch, thợ cơ khí, tổ trưởng sản xuất, thợ điện…Đây là những công việc đòi hỏi tay nghề, nghe nói tiếng Hàn và có tác phong làm việc công nghiệp. Chương trình nhằm mục đích hỗ trợ người lao động về nước tìm kiếm được việc làm phù hợp, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp FDI (nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc) trên địa bàn có được nguồn lao động tay nghề cao. Người lao động quan tâm có thể tìm kiếm thông tin liên quan tại địa chỉ của Trung tâm Lao động ngoài nước: www.colab.gov.vn, hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm TP Đà Nẵng.

K.T

Tháng 8, TP HCM có trên 22.000 vị trí chờ người lao động

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Fami, Sở LĐ-TB&XH TP HCM), dự báo trong tháng 8, các doanh nghiệp và đơn vị trên địa bàn thành phố cần tới 22.000 nhân sự.

Sa thải lao động trên 35 tuổi: Nguy cơ tăng số nhận BHXH một lần - 3

Cụ thể, khảo sát của Falmi cho thấy, nhu cầu tuyển dụng theo trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học chiếm vị trí cao nhất với khoảng 30%; tiếp theo là nhu cầu về lao động phổ thông chiếm 27%; sơ cấp nghề, công nhân kỹ thuật chiếm 23%, trung cấp chiếm 20%...Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, trên đại học chủ yếu tập trung ở các nhóm ngành: Hành chính văn phòng, công nghệ thông tin, dịch vụ thông tin tư vấn chăm sóc khách hàng; tài chính và ngân hàng…Dự báo của Trung tâm trong 6 tháng cuối năm 2017 sẽ có khoảng 139.000 chỗ làm, trong đó có khoảng 40.000 chỗ làm thời vụ. Trong đó, một số ngành nghề thu hút lao động như: marketing - kinh doanh - bán hàng, cơ khí, kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ thông tin, dệt may - giày da, vận tải - kho bãi - xuất nhập khẩu…

L.T