Là sếp hay chỉ là nhân viên: Khác biệt lớn nằm ở 4 điều

Không phải ai sinh ra cũng đã được sắm sẵn khả năng làm lãnh đạo, song theo thời gian, trong khi một số cá nhân có thể vươn lên làm "sếp", số khác vẫn an phận ở vị trí nhân viên. Vậy đâu là điều làm nên sự khác biệt này?

Thực tế, khá nhiều người mơ ước được từ bỏ công việc hằng ngày để gia nhập vào hàng ngũ của những ông chủ bà chủ. Tuy nhiên, số lượng cá nhân thực sự có thể sở hữu doanh nghiệp riêng là rất ít. Dấn thân vào công việc kinh doanh đòi hỏi "máu liều", và sự thành công đến từ việc nhận thức được những khác biệt giữa một doanh nhân và một nhân viên. Dưới đây là 4 khác biệt lớn giữa một ông chủ và nhân viên, theo tạp chí Entrepreneur:

Có tư duy đúng đắn

Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Socio - Economics chỉ ra rằng, tư duy của một người là chìa khóa để xác định xem người đó sẽ hạnh phúc và thành công hơn với tư cách là sếp hay là nhân viên.

Nghiên cứu cho thấy, doanh nhân thường là người có xu hướng sở hữu sở thích, kinh nghiệm và có chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực. Và, chúng thường được kết hợp lại để hỗ trợ cho việc lập doanh nghiệp mới. Người doanh nhân cũng có một mạng lưới các mối quan hệ đa dạng, có thể hỗ trợ cho họ khi bắt đầu một doanh nghiệp mới.


Ảnh: Big Think

Ảnh: Big Think

Ngược lại, nhân viên được trả tiền để thực hiện một vai trò hoặc chức năng cụ thể trong một tổ chức. Mức độ ổn định của công việc, thu nhập và các kỹ năng chuyên môn thường là ưu tiên của nhân viên. Những ưu tiên này có thể làm cho họ trở thành những nhân viên trung thành và có trọng trách - những người có khả năng tìm kiếm sự tăng trưởng và thách thức cần giải quyết trong một tổ chức - hơn là đi theo con đường riêng của họ.

Nhưng nếu một nhân viên được chọn trở thành sếp thì sao? Mặc dù không phải ai cũng có khả năng bẩm sinh để ngồi được vị trí này, nhưng tư duy, nhận thức cần thiết có thể học được. Hiện nay, có khá nhiều công ty đào tạo kỹ năng giúp các cá nhân đạt được tư duy lãnh đạo bằng cách trau dồi kiến thức, kỹ năng, nghiên cứu các doanh nhân thành công và học tập những đặc điểm chính từ họ.

Đạo đức nghề nghiệp và đức tính kiên trì

Nhiều nhân viên là những người luôn chờ hết ca hoặc ngày làm việc kết thúc. Họ không kiên cường như các doanh nhân khi đối mặt với trở ngại và thất bại. Nhân viên nhìn chung sẽ đợi người khác bước vào và giải quyết vấn đề; họ thiếu thẩm quyền hoặc không sẵn sàng để tự mình tìm ra giải pháp.

Steve Jobs từng nói rằng sự kiên trì phân biệt các doanh nhân thành công với những doanh nhân không thành công. Các thành viên của một nhóm/công ty cùng sát cánh làm việc lâu dài và chăm chỉ là điều cần thiết để thành công cũng như vượt qua thử thách.

Điều này cho thấy đạo đức nghề nghiệp và sự kiên trì là phẩm chất cần có ở doanh nhân, bởi vì sự thành công ban đầu của một doanh nghiệp rất mong manh và không có gì đảm bảo rằng nó sẽ tồn tại mãi.

Coi việc học là việc cả đời

Bất cứ ai cũng có thể trở thành một người luôn học hỏi suốt đời bằng cách tự hứa với bản thân rằng xem việc học như sở thích hoặc kỹ năng. Các nhân viên chọn con đường này thường tiếp tục phát triển các kỹ năng cụ thể trong lĩnh vực của họ, để tiếp tục được thăng chức.

Doanh nhân có thể có cách tiếp cận khác, họ học cách giữ được sự linh hoạt trong một thị trường luôn thay đổi. Ưu tiên việc học tập suốt đời cho phép các doanh nhân luôn mềm dẻo và linh hoạt khi họ phát triển doanh nghiệp của mình.

Đức tính khiêm tốn

Trong một môi trường làm việc, nhân viên phải chứng tỏ thành tích cá nhân và hoàn thành công việc khó khăn của họ để được khen thưởng hoặc tăng lương, đặc biệt khi họ là thành viên của một tổ chức hoặc công ty lớn. Nếu không có sự khoe khoang thành tích, nhiều nhân viên chỉ đơn giản lạc lõng trong đám đông.

Tuy nhiên, với các doanh nhân, mức độ khoe khoang này có thể gây thiệt hại cho họ. Thay vào đó, rèn luyện đức tính khiêm tốn là chìa khóa để thành công. Nuôi dưỡng sự khiêm tốn thực sự đòi hỏi việc phải cho phép người khác đóng góp vào sự thành công của công ty và xây dựng các đội nhóm mạnh hơn. Các doanh nhân khiêm tốn không bao giờ cho rằng chỉ họ mới có thể làm điều gì đó đúng cách; thay vào đó, họ học cách ủy thác và tin tưởng những người mà họ đã thuê.

Tóm lại, là nhân viên hay là sếp, khác biệt nằm ở một số khía cạnh lớn, từ lối tư duy đến sự khiêm nhường, nhưng bất cứ ai cũng có thể chuyển đổi 2 vị trí này bằng cách hiểu rõ những khác biệt trên và sẵn sàng thay đổi. Thành công có thể ở cả hai "đấu trường" và lựa chọn phụ thuộc vào mỗi người.

Theo Doanh nhân Sài gòn