1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ lên mạng ru người khác ngủ

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Từng mắc chứng trầm cảm, Ngọc Minh nhận thấy những âm thanh "gây rùng mình" có thể giải tỏa căng thẳng, giúp người nghe dễ ngủ nên quyết định theo đuổi nghề "cứu" những người mắc bệnh giống mình.

Nghề độc lạ, thu nhập cao

23h, Trần Ngọc Minh (27 tuổi, ngụ tại TPHCM) tắt hết máy lạnh, quạt, tủ lạnh hay bất kỳ thiết bị nào gây ra tiếng động dù là nhỏ nhất. Trong cái nóng đến lã mồ hôi, Ngọc Minh mở điện thoại lên, bắt đầu phiên livestream (phát trực tiếp) cho hàng nghìn người đang chờ xem.

Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ lên mạng ru người khác ngủ - 1

Ngọc Minh tạo âm thanh ASMR trên các phiên livestream để giúp người xem ngủ ngon (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Không phải kiểu nói rôm rả như các phiên livestream thông thường, Minh chỉ im lặng, mỉm cười và lôi những vật dụng khác nhau trong hộp ra. Cô bắt đầu tạo âm thanh gây cảm giác ASMR từ những vật dụng ấy.

Theo Minh, ASMR là phản ứng cực khoái độc lập (Autonomous Sensory Meridian Response). Khi tiếp thu những âm thanh êm ả hoặc có tính lặp lại, tuần hoàn, con người sẽ sinh ra phản ứng rùng mình ở phần đầu hoặc cổ. Cảm giác thích thú này sẽ khiến người nghe dễ chịu và dễ ngủ hơn.

Người xem của Minh thường có sở thích nghe các vật dụng giả tiếng gió, mưa, tiếng thì thầm hay âm thanh xột xoạc của miếng xốp. Các âm thanh tạo ra không được lộn xộn mà phải có nhịp thật đều, nếu không sẽ gây cảm giác khó chịu, hụt hẫng cho người nghe, khiến hiệu quả không được tối ưu.

Ngoài ra, không gian xung quanh cũng phải im lặng tuyệt đối. Minh đã nhiều lần chuyển nhà chỉ để tìm một nơi ở thật yên tĩnh để đáp ứng cho công việc.

"Tôi chọn livestream sau 23h là vì vào giờ này, những người bị khó ngủ sẽ đi tìm những liệu pháp giúp họ dễ ngủ. Đôi lúc họ xem livestream của tôi và ngủ quên lúc nào không hay", Minh nói.

Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ lên mạng ru người khác ngủ - 2

Các vật dụng để làm ASMR có thể là bất cứ đồ vật nào trong đời sống (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thỉnh thoảng, Minh còn livestream trò chuyện, tâm sự, giải đáp những vấn đề mà người xem đang gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên, phiên livestream này phải tách biệt hoàn toàn. Nghĩa là nếu trò chuyện thì không làm ASMR và ngược lại, để không đánh thức những người ngủ quên ngay trong livestream của Minh.

"Trước khi livestream, tôi sẽ chuẩn bị khoảng 10 vật dụng. Bản thân đôi lúc phải làm việc đến 1, 2h sáng hôm sau mới nghỉ. Livestream tạo âm thanh ASMR mất sức hơn là ngồi trò chuyện. Vì người làm nghề này không được nói, mà chỉ mỉm cười suốt, cử động liên tục trong cái nóng suốt nhiều giờ liền", Minh chia sẻ.

Đến nay, kênh Tiktok của Minh có đến 3,6 triệu người theo dõi và hơn 51 triệu lượt thích.

Hằng tháng, Ngọc Minh có thể kiếm tiền từ việc quảng cáo các đồ dùng của nhãn hàng, sử dụng chúng trong chính các video ASMR của mình. Trung bình, không chỉ bản thân cô mà những người xây dựng được kênh ASMR có nhiều lượt theo dõi, có thể kiếm hàng chục đến trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ nghề độc lạ này.

Hướng đến sức khỏe của khán giả

Khi còn là học sinh cấp ba, Ngọc Minh từng mắc chứng khó ngủ. Thời điểm ấy, cô tình cờ xem được các video ASMR trên mạng xã hội và trở nên nghiện lúc nào chẳng hay.

"Lúc đầu tôi thấy kỳ lạ vì người trên video không nói gì mà cứ chà vào đồ vật hay ngồi ăn mà cứ thì thầm, nhỏ nhẹ. Tôi thử không xem mà chỉ nghe thì bỗng dưng cảm thấy thích. Những âm thanh này giúp tôi thấy thư giãn và dễ ngủ hơn", cô gái nói.

Năm 2018, nhận thấy nhiều người mất ngủ như mình nhưng không có điều kiện đến bệnh viện, Minh mới nảy ra ý tưởng lập kênh mạng xã hội để làm video ASMR.

Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ lên mạng ru người khác ngủ - 3

Ngọc Minh đã nhiều lần chuyển nhà chỉ để tìm ra một nơi yên tĩnh tuyệt đối (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Do chưa có kinh nghiệm, cô gái phải tham khảo các video ở nước ngoài để học hỏi, làm theo. Minh còn bỏ ra 6 triệu đồng để mua mic chuyên dụng và 1 triệu đồng để đầu tư cho đèn LED.

Vì thức khuya nhiều đêm, Minh bị đau dạ dày nên phải tạm ngưng một thời gian. Đến năm 2020, Minh từ Hà Nội vào TPHCM lập nghiệp rồi mắc chứng trầm cảm trở lại. Lúc này, cô quyết định lập lại kênh Tiktok làm ASMR nhưng có sự đầu tư hơn về ngoại hình, vật dụng.

Để đa dạng nội dung, Ngọc Minh còn lên ý tưởng làm âm thanh ASMR một ngày làm việc, quá trình trang điểm, dọn dẹp nhà cửa,… Cô cũng không làm nội dung ngoài trời để âm thanh được đa dạng hơn. Những nội dung này phải mất khoảng 3 ngày để cho ra một video hoàn thiện.

"Lúc đầu mới làm, tôi cũng bị mọi người chửi rất nhiều. Bản thân buồn, đôi lúc phát khóc nhưng cũng thông cảm vì tâm lý của người xem cũng giống như lần đầu mình xem các clip ASMR. Dần dà, mọi người cũng hiểu và ủng hộ hơn. Nhiều người còn nhắn tin động viên, gửi lời cảm ơn vì nhờ các video ASMR này họ mới ngủ ngon", cô gái trải lòng.

Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng nhờ lên mạng ru người khác ngủ - 4

Ngọc Minh cảm thấy rất vui vì nghề của mình có thể giúp ích cho sức khỏe của mọi người (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo nghiên cứu của Đại học Sheffield và Đại học Manchester Metropolitan (Anh), 50 người tham gia thí nghiệm đều cảm thấy thư giãn nhiều hơn sau khi xem các video về ASMR. Về phản ứng sinh lý, nhịp tim của họ bắt đầu giảm và độ dẫn điện của da tăng lên khi xem video.

TS Giulia Poerio, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết ASMR không chỉ mang lại trải nghiệm kích thích, thư giãn mà còn mang lại cảm giác hạnh phúc.

Ngoài ra, cảm xúc của con người đối với ASMR cũng có điểm chung với ký ức của họ vì nó gợi lại sự hồi tưởng và cảm giác khao khát được trải qua một lần nữa.

"Có rất nhiều tiềm năng được khai thác từ ASMR và nó gần như vô hạn, vì nó có khả năng tìm ra gốc rễ của nhiều tình trạng bệnh. Tôi nghĩ nó có thể được nghiên cứu để trở thành một phương pháp trị liệu", Poerio nói.