Nổi tiếng trên mạng xã hội, công nhân kiếm bao nhiêu tiền?
(Dân trí) - Chỉ đầu tư 200.000 đồng mua giá đỡ điện thoại, giờ đây chị Hiền đã có thể kiếm thêm mỗi tháng 1-5 triệu đồng nhờ các video ghi lại cảnh đời sống thường ngày của công nhân nghèo.
Khởi nghiệp với... 200.000 đồng
"Xin chào mọi người, lại là cô công nhân đây. Sau kỳ nghỉ lễ, em đã quay lại để cho mọi người xem cuộc sống công nhân của em. Hôm nay em thấy con vịt của chủ trọ đã đẻ trứng, em lén lấy vài quả vào nấu ăn luôn…", Trần Thị Thu Trang (23 tuổi, ngụ tại tỉnh Trà Vinh) dí dỏm nói trong video mới nhất của mình, khiến cộng đồng mạng yêu thích.
Trong khi đó, chị của Trang là Trần Thị Thu Hiền (28 tuổi) cầm điện thoại di động quay cận cảnh Trang chế biến món ăn. Do khung cảnh trong video là đời sống thường ngày nên cả hai không mất quá nhiều thời gian ghi hình. Hai chị em cũng không cần diễn nhiều hay làm theo kịch bản nào cụ thể.
Kênh Tiktok Hiền Trang TV của hai chị em có 38.000 tài khoản theo dõi, có đoạn clip đạt 1,5 triệu lượt xem. Nội dung video của Hiền và Trang ghi lại công việc, sinh hoạt một ngày của công nhân, dạy cách nấu ăn siêu tiết kiệm... với lối dẫn chuyện nhẹ nhàng, dí dỏm.
Nhờ sự mộc mạc, chân thật, cả hai luôn nhận được sự ủng hộ với những bình luận tích cực từ cộng đồng mạng. Công việc "tay trái" này giúp hai chị em có thêm khoản thu nhập 1-5 triệu đồng mỗi tháng.
"Thu nhập đến từ 3 nguồn, gồm chạy quảng cáo cho các nhãn hàng, tự mở kênh bán hàng hoặc nhận quà chuyển đổi thành tiền mặt trên sóng trực tiếp", Hiền nói.
Trước đó, Hiền và Trang vô tình xem những đoạn clip tương tự trên mạng xã hội nên nảy ra ý tưởng quay video, với mục đích làm kỷ niệm. Bất ngờ, những đoạn video đầu tiên nhận được sự yêu mến của cộng đồng mạng, cả hai quyết định lên nhiều ý tưởng hơn.
"Chúng tôi chỉ bỏ ra khoảng 200.000 đồng mua giá đỡ điện thoại để quay cho mượt hơn. Còn lại mọi thứ đều có sẵn trong đời sống sinh hoạt đời thường", nữ công nhân chia sẻ.
Tiktoker công nhân
Làm việc ở nhà máy từ sáng đến 16h, Hiền và Trang sẽ nghỉ ngơi đôi chút rồi dành 1-2 tiếng chỉnh sửa video. Nhờ mạng xã hội, cuộc sống của hai chị em công nhân đỡ vất vả hơn nhiều.
Hiền nhớ mãi thu nhập đầu tiền từ Tiktok: "Chủ nhà hàng mời tôi quay video quảng cáo nơi kinh doanh của anh ấy nhưng tôi không biết phải lấy giá bao nhiêu. Tôi nói rằng sau khi xem xong video, anh có thể trả bao nhiêu thì tùy. Không ngờ, tôi nhận được 700.000 đồng cho một video dài chưa đầy 2 phút".
Gần đây, thu nhập của Hiền và Trang ở nhà máy bấp bênh hẳn vì bị giảm giờ làm. Mức lương dao động 5 triệu đồng, chỉ đủ để trang trải các khoản phí sinh hoạt, không thể chu cấp cho gia đình.
Nhờ làm "người nổi tiếng trên mạng xã hội", Hiền và Trang có thêm nguồn thu để gửi tiền về quê chăm lo cho gia đình.
"Có thể nói lĩnh vực mới này là tia hy vọng cho công nhân chúng tôi, trong thời điểm công việc gặp nhiều khó khăn, người lao động bị sa thải ngày càng nhiều. Trong tương lai, nếu có nhiều người theo dõi hơn, chúng tôi sẽ nghỉ việc ở nhà máy để tập trung đầu tư, sáng tạo nội dung trên mạng xã hội", Hiền thẳng thắn nói.
Tương tự, nam công nhân Huỳnh Ngọc Bảnh (29 tuổi, quê tại tỉnh Hậu Giang, làm công nhân ở Bình Dương) có kênh Tiktok hơn 365.000 tài khoản theo dõi và 6,5 triệu lượt thích cho tổng các video mà anh đăng tải.
Một triệu đồng là thu nhập đầu tiên của Bảnh nhờ đoạn clip quảng cáo cho nhãn hàng thực phẩm nổi tiếng. Ngoài kênh Tiktok, nam công nhân còn phát triển nhiều nội dung trên nền tảng Facebook. Nguồn thu nhập thứ 2 này giúp Bảnh ổn định cuộc sống hơn trước.
"Với mức lương 6 triệu đồng ở nhà máy, vợ chồng tôi phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu và gửi về quê nuôi con. Giờ đây, mạng xã hội thay đổi cuộc đời, chúng tôi không phải chật vật như trước nữa", anh Bảnh bộc bạch.
Nội dung kênh Tiktok của Bảnh cũng xoay quanh cuộc sống công nhân nhưng anh chú trọng phản ánh bữa cơm gia đình. "Sau một ngày làm việc dài, ai cũng chờ đợi, mong ngóng bữa cơm gia đình ấm cúng", anh Bảnh nói.
Được phân công làm tổ trưởng một chuyền may ở nhà máy tại TPHCM, anh Lương Tuấn Anh (27 tuổi) cũng kiếm thêm thu nhập từ mạng xã hội. Thay vì làm các nội dung xoay quanh cuộc sống công nhân, anh thường hướng đến sản xuất những video vui nhộn về quan hệ của một người tổ trưởng với các công nhân trong chuyền.
Từ hơn 30.000 người theo dõi trên Tiktok, Tuấn Anh mở cửa hàng trực tuyến bán áo thun, lãi 10.000-20.000 đồng/chiếc. Mỗi video, Tuấn Anh đều truyền tải những nội dung, thông điệp tích cực đến người xem.
"Làm tổ trưởng nhưng lương chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày, nhờ mạng xã hội tôi mới đỡ vất vả, có cơ hội phát triển bản thân ở lĩnh vực khác. Công nghệ ngày nay giúp người lao động chúng tôi có thể thỏa sức sáng tạo, mở ra cánh cửa đến những công việc mới, đa dạng thu nhập, ổn định kinh tế", anh Tuấn Anh chia sẻ.