Dọc đường mưu sinh:

Khi sinh viên làm thêm quán bún đậu mắm tôm, múa lân và "gõ đầu trẻ"

Kim Sơn

(Dân trí) - Họ có thể làm một "anh giáo", "nghệ sĩ biểu diễn" hay một nhân viên bưng bê ở các hàng quán. Mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều chung một niềm tin ở tương lai tươi sáng phía trước…

Bác sĩ tương lai miệt mài bên quán bún đậu

Chiều đông đầu tháng 12, những đợt gió mùa đông bắc giá lạnh thổi dọc trên đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Thái Nguyên). Ở một góc nhỏ trên đường, chàng sinh viên Vàng Mí Pó (người Mông) chỉ với chiếc áo cộc tay, vẫn lanh lẹ quét dọn tại cửa hàng quán bún đậu mắm tôm.

Trao đổi với PV, chàng trai người H'Mông cho biết: "Năm học 2018 - 2019, tôi trúng tuyển vào trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên, chuyên ngành Bác sĩ đa khoa.

Khi ấy, hành trang của Vàng Mí Pó mang đi từ xã vùng biên Phú Lũng (huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang) không có gì ngoài vài bộ quần áo kèm chút kinh phí đi đường.

Khi sinh viên làm thêm quán bún đậu mắm tôm, múa lân và gõ đầu trẻ - 1

Sinh viên Vàng Mí Pó làm thêm công việc bưng bê hàng quán bún đậu mắm tôm (Thái Nguyên).

Lý do đi làm thêm, Vàng Mí Pó nói: "Bố mẹ tôi chủ yếu làm nương rẫy. Nhưng dạo gần đây thời tiết thất thường quá, không làm được ruộng thì lại trồng ngô. Thu nhập gia đình chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. Bố tôi phải đi làm thêm thợ xây. Mẹ ở nhà đưa đón em gái đi học, nuôi thêm con gà, con lợn. Em trai cũng đi học xa nên không đỡ đần được gì".

Công việc bưng bê đồ hàng quán của chàng sinh viên trẻ thường diễn ra từ chiều tối đến đêm muộn. Hết việc, Vàng Mí Pó thường tranh thủ về phòng trọ ôn bài. Mỗi sớm mai, chàng sinh viên đa khoa miệt mài trên giảng đường và phòng thí nghiệm.

Chia sẻ dự định, chàng bác sĩ đa khoa trong tương lai mong muốn sau khi ra trường sẽ về địa phương để chữa bệnh, chăm sóc cho bố mẹ, người dân và những hoàn cảnh nghèo khó.

Sinh viên tự động hóa làm quen với múa lân

Cũng cùng cảnh sinh viên đi làm thêm, nhưng Lê Thanh Thủy, sinh viên năm cuối chuyên ngành Tự động hóa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) lại chọn công việc có tính nghệ thuật.

Chính vì vậy, "Thủy Lân" hay "nghệ sĩ" là những biệt danh bè bạn tặng cho Lê Thanh Thủy. Dù là sinh viên ngành kỹ thuật, nhưng chàng trai 22 tuổi đến từ thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) này lại bén duyên với nghề múa lân ngay từ ngày đầu ngồi trên ghế nhà trường.

Khi sinh viên làm thêm quán bún đậu mắm tôm, múa lân và gõ đầu trẻ - 2

Lê Thanh Thủy (đứng giữa) cùng đồng nghiệp ở đoàn múa lân của mình. Ảnh: NVCC 

"Đầu tiên, tôi chỉ đi làm để trang trải chi phí sinh hoạt trên này, nhưng làm dần thành đam mê. Tới giờ cũng gần 5 năm hoạt động trong mảng này đấy!", Thủy cười.

Để làm được nghề này, Thủy phải trải quá trình khổ luyện: "Bước đầu rất là khó khăn. Những tháng đầu mình bị chấn thương, toàn thân đau e ẩm. Về sau dần dần có kỹ năng, mình biết cách hạn chế những tai nạn đáng tiếc trong lúc tập luyện".

Yêu cầu của nghề này là đòi hỏi sức khỏe dẻo dai, kiên trì khổ luyện lâu dài, kỹ năng đặc thù của múa - "đóng làm một con lân phải ra được hồn con lân", Thủy cho hay.

Cho đến hiện tại, Lê Thanh Thủy không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu chương trình, bao nhiêu sự kiện. Thủy đã đi cùng câu lạc bộ múa lân biểu diễn khắp các tỉnh phía Bắc.

"Trong quá trình làm nghề, tôi học hỏi được về chuyên môn rất nhiều từ các nghệ sĩ chuyên nghiệp, đặc biệt là các nghệ sĩ hát Tuồng gạo cội. Hơn nữa, múa lân giúp tôi học được đức tính kiên nhẫn, cảm giác tự tin trước đám đông sau nhiều lần va chạm trên sân khấu" - Thanh Thủy chia sẻ.

Chia sẻ về dự định tương lai, Thủy cho biết sẽ để thời gian cho việc hoàn thành đồ án tốt nghiệp của mình. Nếu có duyên, sẽ tiếp tục làm nghề múa lân, phát triển sự nghiệp biểu diễn chuyên nghiệp.

Gõ đầu trẻ - nghề muôn thủa của sinh viên

Là bạn cùng lớp đại học với Thanh Thủy, Nhữ Đình Thao cũng đi làm thêm từ lúc chập chững bước chân lên học ở Thủ đô. Công việc của thanh niên quê Hải Dương là dạy kèm học sinh trung học phổ thông và cơ sở.

Là dân khối A, vốn hiểu biết chắc về 3 môn Toán - Lý - Hóa, Thao chia sẻ rằng không quá khó khăn về chuyên môn để làm công việc này. Cái khó đối với Thao là phải làm sao hiểu được từng cá tính, sở thích của từng em học sinh.

Khi sinh viên làm thêm quán bún đậu mắm tôm, múa lân và gõ đầu trẻ - 3

Thao bên bàn học của mình ở phòng trọ

"Có nhiều học sinh lười, không muốn học nhưng tố chất rất thông minh; nhiều em thì ngược lại: Chăm học, nhưng lại không thông minh lắm. Điều quan trọng là mình phải làm thân với các em, như một người bạn tâm giao, qua đó mới hiểu được năng lực cũng như tính cách từng em", Thao cho hay.

Công việc làm một "anh giáo" giúp Thao học nhiều điều. "Hơn 4 năm "gõ đầu trẻ, mình trau dồi thêm được kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý; hiểu nhiều hơn về tâm lý từng con người" - Thao chia sẻ.

Việc dạy học chỉ là làm thêm để trả học phí và sinh hoạt. Nhữ Đình Thao đang tập trung làm đồ án bảo vệ tốt nghiệp. Dự định sắp tới của Thao là xin vào một công ty tư nhân để phát huy chuyên môn Tự động hóa của mình. Qua đó, Thao sẽ có thêm nhiều cơ hội để trau dồi kinh nghiệm, phát triển sự nghiệp.