Sinh viên làm thêm: Được và mất gì?
(Dân trí) - Dù đang đi học ở các trường CĐ, ĐH, nhiều bạn sinh viên đã bươn chải với công việc bồi bàn, thiết kế đồ hoạ, phụ bán hàng...Công việc đem lại thu nhập nhưng cũng có không ít mặt trái.
Sinh viên làm thêm được gì?
Với Kiều Thu Hằng, 20 tuổi, sinh viên năm 2 của một trường đại học trên địa bàn ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), việc làm thêm đơn thuần chỉ là để có thêm thu nhập.
Ngoài giờ đi học, cô gái quê ở Nhã Nam (Bắc Giang) này đang làm việc cho một quán cà phê gần trường.
Kiều Thu Hằng chia sẻ: “Việc đi làm thêm giúp em có thêm thu nhập trang trải cho việc học tập và nhu cầu cá nhân. Được tiêu tiền từ chính sức lao động của mình làm ra cũng giúp em quý trọng đồng tiền hơn”.
Gia đình đông anh chị em, việc chu cấp kinh phí cho việc học hành của Kiều Thu Hằng không được dư giả. Với số tiền kiếm được từ việc làm thêm, Kiều Thu Hằng đỡ đần được bố mẹ rất nhiều.
Được biết, công việc của Kiều Thu Hằng bắt đầu từ 7h -12h. Mỗi giờ làm việc chủ quán trả 20.000 đồng. Thời gian của buổi chiều Kiều Thu Hằng đi học ở trên lớp.
Mỗi tháng Kiều Thu Hằng kiếm được khoảng 2,5 triệu đồng từ việc làm thêm. Với số tiền này cô sinh viên đã tự chi trả tiền nhà trọ, tiền điện nước và mua vài thứ đồ dùng cần thiết.
Khác với Kiều Thu Hằng, Nguyễn Văn Hiếu (21 tuổi, sinh viên năm cuối theo học ngành truyền thông) có mục tiêu khác khi đi làm thêm. Anh quyết định xin đi làm thiết kế đồ hoạ ở một công ty truyền thông.
Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: “Tôi xin đi làm thêm đúng theo ngành nghề theo học để có cơ hội học tập và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong công việc, cuộc sống. Hơn nữa việc làm thêm đã giúp học hỏi được nhiều điều từ thực tế mà trong trường học lại không có”.
Theo Nguyễn Văn Hiếu, việc đi làm thêm giúp trưởng thành hơn và có cơ hội rèn luyện các kỹ năng làm việc và tác phong tốt hơn. Đồng thời, công việc này đem lại cho mình kỹ năng thuyết phục khách hàng và rèn luyện tính kiên nhẫn.
Ngoài ra với công việc này, Nguyễn Văn Hiếu kiếm được một khoản tiền đủ để chi tiêu, sinh hoạt và đóng học mà không cần đến chu cấp từ gia đình.
“Bây giờ, các trường đại học đề đào tạo theo tín chỉ. Sinh viên có thể đăng ký lịch học như mình mong muốn nên thời gian rảnh có nhiều hơn để đi làm, đổi lại lúc học thì sẽ phải học nhiều hơn” - Bạn Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ thêm.
... và mặt trái là gì?
Bên cạnh những lợi ích của việc đi làm thêm cũng có không ít những tiêu cực.
Là sinh viên năm thứ 4, Đặng Minh Quang (22 tuổi quê ở Na Hang, Tuyên Quang) cũng đã gắn bó với công việc làm thêm ở một tiệm bánh mì.
Đặng Minh Quang cho rằng, là sinh viên thì có rất nhiều thời gian rảnh để đi làm thêm.
"Tuy nhiên rất khó để có thể tìm được một ngành mà đúng như mình đang theo học trên lớp nêm việc vận dụng kiến thức đã học vào thực tế và ngực lại là rất khó" - Đặng Quang Minh nói.
Đặng Minh Quang cho biết: “Thời gian và công việc cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập ở trên lớp. Tôi chủ yếu làm vào buổi sáng, nhiều hôm đông khách hoặc bạn làm ca chiều không đến kịp là hôm ấy phải đi học muộn. Cũng có hôm tôi đi làm về mệt không muốn đi học nữa nên nghỉ luôn.
Còn Nguyễn Văn Hiếu cho rằng việc đi làm thêm khiến anh nhiều khi không thể tránh khỏi những cám dỗ. Không ít lần anh suy nghĩ về việc có nên đi làm nữa hay không.
“Nhiều hôm cuối tháng, công ty liên hoan, ăn nhậu xong hôm sau mình không thể nên lớp học được, rồi những cuộc vui khác thì thi thoảng phải nghỉ học để đi” - Nguyễn Văn Hiếu tâm sự.
Theo anh Nguyễn Văn Hiếu, việc đăng ký học dồn vào để có thời gian đi làm cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, khi mà số lượng kiến thức phải học nhiều hơn trong thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng quá tải và khó tiếp thu.
Bên cạnh đó, có nhiều bạn sinh viên đã cân bằng, sắp xếp một cách hợp lý giữa việc học và việc làm thêm, không những hoàn thành tốt việc học mà còn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, vốn sống cho bản thân, và kiếm thêm thu nhập trang trải việc đi học.
Chia sẻ về bí quyết để ổn định công việc mà không làm ảnh hưởng đến việc học tập Kiều Thu Hằng tâm sự: “Tôi nghĩ là dù đi học hay đi làm đều cần phải tích lũy cả kiến thức và kinh nghiệm để phục vụ cuộc sống. Cần làm vừa đủ không nên làm nhiều quá ảnh hưởng đến sức khoẻ vì việc học vẫn quan trọng nhất".
Hàng ngày, Kiều Thu Hằng đi làm vào buổi sáng sau đó sẽ về nghỉ ngơi để đảm bảo sức khoẻ rồi mới đi học. Phải mất 3 lần đổi chỗ làm chị mới lựa chọn được chỗ làm phù hợp với thời gian biểu của mình”.
Theo Kiều Thu Hằng, việc cân bằng giữa việc học và làm thêm là rất quan trọng, đây là nền tảng cho việc học tập và làm việc hiệu quả hơn.
Phạm Công