Hà Nội:

Khi người khiếm thị vươn lên từ đôi bàn tay "biết nhìn"

Phạm Công

(Dân trí) - Không may bị khiếm thị ở tuổi 37, ông Võ Quý (Hà Nội) quyết không chịu đầu hàng trước số phận. Sau hơn 20 năm, ông đã tự tin "sống khỏe" với nghề xoa bóp, tác động cột sống.

Vượt cú sốc lớn

Ông Võ Quý hiện sống tại một căn nhà nhỏ trên phố Mã Mây (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thủa ban đầu, ông Võ Quý được sinh ra với đôi mắt sáng như bao người thường. Sau gần 20 năm công tác tại một cơ quan báo chí ở Hà Nội, ông đã bị bong võng mạc và dẫn đến mù hai mắt.

Ông Võ Quý chia sẻ về những khó khăn và sự nỗ lực của mình

Nhớ lại lúc ban đầu, người đàn ông 58 tuổi này chia sẻ: "Sau 37 năm, đôi mắt của tôi cứ mờ dần đi. Đến năm 2000, "cửa sổ tâm hồn" đã khép lại hoàn toàn dù đã phẫu thuật nhiều lần. Bác sĩ bảo đôi mắt không thể bình phục. Suốt thời gian dài cuộc sống tôi rơi vào bế tắc".

Từ một người mắt sáng và làm việc trong lĩnh vực báo chí, việc chấp nhận cuộc sống của người khiếm thị với ông Võ Quý là điều vô cùng khó khăn. Lúc ban đầu, mọi công việc, đi lại, ăn uống đều phải làm quen rồi ghi nhớ. Không ít lần ông ngã đến bầm dập chân tay.

Bỗng dưng trở thành người khiếm thị khi mới 37 tuổi, cú sốc này khiến ông những tưởng khó vượt qua với những tháng ngày đau đớn, buồn tủi. Tuy nhiên, được những người bạn thân và gia đình động viên, an ủi, dần dần ông cũng lấy lại sự cân bằng, vượt qua mặc cảm và tâm niệm phải sống cho có ý nghĩa.

Khi người khiếm thị vươn lên từ đôi bàn tay biết nhìn - 1

Mọi sinh hoạt trong cuộc sống đều được ông Quý luyện tập

Sau khi trở thành hội viên hội người khuyết tật quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), ông bắt đầu tham gia những hội nghị, cuộc họp hỗ trợ người khuyết tật, ban đầu phải nhờ vợ và con cái đưa đi, sau ông tự bắt xe ôm đến.

Bằng nghị lực và ý chí ham học hỏi, sự động viên giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, ông đã hoàn thành tốt các khóa học để có thể sử dụng tài liệu bằng chữ nổi, đánh máy tính thành thạo...

Sau nhiều năm tích cực tham gia các hoạt động của Hội, hiện nay ông được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàn kiếm. Theo ông, dù là người khuyết tật cũng không nên ỷ vào sự hỗ trợ từ người khác, phải biết tham gia, đóng góp một phần sức lực dù nhỏ giúp xã hội ngày một tốt đẹp.

Khi người khiếm thị vươn lên từ đôi bàn tay biết nhìn - 2

Người đàn ông khuyết tật 58 tuổi này luôn nở trên môi nụ cười 

 Vươn lên vì gia đình và xã hội

Bắt nhịp cùng với xã hội, ông quyết tâm theo học các khóa đào tạo thuộc các dự án dành cho người mù, người khiếm thị như tẩm quất, xoa bóp để tự tạo thu nhập. 

Nghĩ là làm, ông Võ Quý tìm đến phương pháp tác động cột sống chữa bệnh. Qua một vài người bạn và việc tự mày mò học trên mạng. Hàng ngày ông dành 10 tiếng để học tập rồi những người thân, người bạn chính là những vị khách đầu tiên.

Khi người khiếm thị vươn lên từ đôi bàn tay biết nhìn - 3

Ông Quý luôn cập nhập công nghệ hiện đại bằng thính giác và cảm nhận từ tay 

"Lúc mới vào nghề, tôi chữa giúp mọi người, rồi thấy bệnh tình tiến triển rất nhanh và tốt, tiếng lành đồn xa, nhiều người tận Nam Định, Thanh Hóa, Bắc Giang tìm đến. Khách hàng tìm đến là động lực để tôi không ngừng học hỏi kỹ năng" - Ông Võ Quý nói.

Mỗi ngày, nhà ông có cả chục lượt khách ra vào. Người đi, người khác lại đến, khách hàng ai lấy đều vui vẻ. Khách là người nghèo, khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn ông đều chữa miễn phí.

Khi người khiếm thị vươn lên từ đôi bàn tay biết nhìn - 4

Lúc rảnh rỗi ông thường gọi điện hỏi thăm bạn bè người thân 

Từ một người mắt sáng trở thành khiếm thị, ông Võ Quý đồng cảm với những thiệt thòi của người khuyết tật. Với ông, ánh sáng chính là mọi người được sống vui vẻ và khỏe mạnh.

Hiện nay, với cương vị là Phó Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàn Kiếm, ông luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, hoặc đến từng nhà vận động, khuyến khích người khiếm thị tham gia các hoạt động để họ bớt mặc cảm, tự tin đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống. 

Khi người khiếm thị vươn lên từ đôi bàn tay biết nhìn - 5

Hàng ngày ông Quý vẫn thường xuyên ra đường để hòa nhập với mọi người

"Các gia đình cứ nghĩ người thân khuyết tật sẽ không an toàn khi tiếp cận với xã hội. Theo tôi suy nghĩ như thế là sai. Càng là người khuyết tật càng phải giao lưu học hỏi thì mới có thể tự mình phát triển bản thân sống có ích cho xã hội" - ông Võ Quý nói.

Khi người khiếm thị vươn lên từ đôi bàn tay biết nhìn - 6

Quán cà phê quen thuộc ông Quý hay lui tới khi vắng khách 

Ông Võ Quý cũng cho  rằng, dù là người khuyết tật cũng không nên ỷ vào sự hỗ trợ từ người khác, phải biết tham gia, đóng góp một phần sức lực dù nhỏ giúp xã hội ngày một tốt đẹp. Để làm được điều đó cần nhất ở người khuyết tật là phải tự tin vào chính bản thân mình.