Khi bạn thành sếp…

Một ngày nào đó bạn thấy mình mất đi người bạn thân nhất vì trót trở thành sếp của người bạn đó.

Khi bạn thành sếp… - 1

Tất cả chúng ta đều cần có bạn ở nơi làm việc. Để tìm lời khuyên về một dự án? Để cùng ăn mừng vì vừa chinh phục được một khách hàng mới? Để cùng trút nỗi bực dọc về người sếp khó chịu, vô lý và vô tình?

Các kết quả nghiên cứu cho thấy những lợi ích rõ ràng của tình bạn nơi công sở. Những nhân viên có tình bạn tốt thường gắn kết với công việc hơn và cơ quan của họ cũng được lợi lớn hơn, nhận được lòng trung thành nhiều hơn từ khách hàng.

Cách đây 60 năm, nhà tâm lý học Abraham Maslow cho rằng cảm giác thuộc về ai đó là một trong những nhu cầu cơ bản của con người sau nhu cầu về thực phẩm, nước và sự an toàn. Nhu cầu cần bạn trong đời sống công việc cũng nhiều như nhu cầu cần bạn trong đời sống cá nhân của chúng ta.

Nhưng một khi bạn được cất nhắc lên vị trí quản lý, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, bạn sẽ hiểu rằng việc có bạn thân chốn công sở có thể là một vấn đề phức tạp. Trước đây, bạn và các bạn của mình cùng phàn nàn về sếp phía sau lưng họ. Giờ thì bạn trở thành sếp. Những người bạn này có thể mong đợi bạn sẽ ứng xử thiên vị với họ và những người còn lại trong cơ quan cũng sẽ nghĩ vậy.

Tuy nhiên, khi những người lãnh đạo tiếp tục thăng tiến cao hơn trong sự nghiệp thì lo lắng này sẽ giảm hẳn. Với các quản lý cấp trung, việc chuyển đổi từ bạn sang sếp không còn nằm trong những mối lo hàng đầu, thậm chí là không ở trong Top 10. Họ phải tập trung vào những áp lực như quản trị năng lực của tổ chức, quản trị tài năng, điều hành nhiều nhóm…

Nói chung, họ có những vấn đề lớn hơn để giải quyết. Trong khi các quản trị viên làm sếp lần đầu chưa quen với vai trò lãnh đạo và bị tác động mạnh hơn bởi những ảnh hưởng tâm lý của việc chuyển đổi động lực nơi làm việc.

Vậy bạn có thể làm gì để vượt qua thử thách này?

Hãy rõ ràng. Vâng, bạn vẫn có thể là bạn với cấp dưới của mình. Nhưng mọi người cần nhận ra rằng quan hệ công việc của họ với bạn đã thay đổi. Hãy đặt ra những mong đợi và giới hạn rõ ràng. Chẳng hạn, bạn có thể trò chuyện với những người bạn về trách nhiệm mới mà bạn đang đối mặt; giải thích rằng bạn đang chịu trách nhiệm cho sự phát triển và kết quả công việc của họ và các đồng sự khác. Để là một người lãnh đạo hiệu quả cho cả nhóm, thời gian mà bạn dành cho họ và cách thức đối thoại có lẽ phải được thay đổi.

Hãy công bằng. Liên quan đến tiền thưởng, tăng lương, đề bạt và sự hỗ trợ, hãy để các định kiến cá nhân của bạn sang một bên. Nếu bạn của bạn xứng đáng và được ghi nhận một cách rõ ràng thì tuyệt vời. Nếu ngược lại mà họ vẫn được khen thưởng thì những lời bàn ra tán vào, chính trị nội bộ và sự mất lòng tin sẽ đến.

Hãy ý thức. Một khi đã mặc áo lãnh đạo, mọi con mắt sẽ đổ về bạn. Hãy chú ý đến những dấu hiệu mà bạn gửi đi. Bạn đang dành bao nhiêu thời gian, nguồn lực cho bạn của mình so với người khác? Hãy nhờ sếp của bạn hoặc một cấp trên mà bạn tin tưởng quan sát và có phản hồi.

Hãy sẵn sàng. Steve Nowicki, giáo sư tâm lý tại Emory University cho rằng một mối quan hệ có vòng đời gồm bốn giai đoạn: chọn lựa – bắt đầu – làm sâu sắc – kết thúc. Một khi chuyển từ bạn thành sếp thì tình bạn như bạn đã từng biết xem như đã kết thúc. Bạn và người bạn của mình phải chọn lựa xem sẽ bắt đầu lại trong giai đoạn mới này hay không. Nếu anh ấy/chị ấy không thể điều chỉnh, hãy chấp nhận. Nhưng đừng đốt những cây cầu. Bạn không thể biết được ai sẽ là sếp của bạn một ngày nào đó.

Theo Doanh nhân Sài Gòn