ILO cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy di cư lao động an toàn

(Dân trí) - Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo di cư lao động an toàn hơn và có lợi hơn cho người lao động di cư.

ILO cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy di cư lao động an toàn - 1

Theo ILO, việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thể là cơ hội để đảm bảo rằng người lao động di cư Việt Nam sẽ được thị trường toàn cầu đón nhận và quyền của người lao động sẽ được bảo vệ theo những tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi (Luật số 72) đã được Quốc hội đưa ra thảo luận vào ngày 10/6 và dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 năm 2020.

Sau khi thông qua, Luật sửa đổi sẽ có ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm ngàn người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, gia đình cũng như cộng đồng của họ và có tác động đến sự phát triển của di cư và công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

TS Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết: “Việc quy định cấm áp dụng các loại phí tuyển dụng và chi phí liên quan  một cách rõ ràng trong luật đóng vai trò rất quan trọng. Khi người lao động phải trả lệ phí và chi phí cao, cũng như phải vay nợ với lãi suất cao để đi làm việc ở nước ngoài, họ dễ trở thành nạn nhân của tình trạng bị lạm dụng, bóc lột, lệ thuộc vì nợ, lao động cưỡng bức và buôn bán người. Do đó, những lợi ích cho phát triển của di cư lao động không thể được đảm bảo một cách đầy đủ.”

Công ước về Các cơ quan dịch vụ việc làm tư nhân số 181 và Các nguyên tắc chung và hướng dẫn triển khai hoạt động tuyển dụng công bằng của ILO nêu rõ “người lao động không phải gián tiếp hay trực tiếp chịu một phần hay toàn bộ lệ phí tuyển dụng hoặc chi phí liên quan” và “chủ sử dụng lao động, trong khu vực công cũng như tư, hoặc trung gian của họ, thay vì người lao động, phải chịu chi phí tuyển dụng”.

Việt Nam hiện có mức phí tuyển dụng và các chi phí liên quan ở mức cao được quy định trong luật. Theo một nghiên cứu mới của ILO, người lao động di cư không hiểu rõ cơ cấu lệ phí, chi phí hiện tại và quy định phức tạp về các mức phí theo luật định khiến người lao động khó biết được họ có phải đóng quá mức phí quy định hay không.

Nghiên cứu cho thấy tình trạng thu phí người lao động di cư trên mức trần theo quy định của luật còn phổ biến. Một số người được phỏng vấn cho biết họ đã phải trả từ 163 triệu đồng đến 372 triệu đồng (7.000-16.000 USD) để đi việc tại Nhật Bản và Đài Loan, Trung Quốc, cao hơn nhiều so với mức giới hạn theo quy định của pháp luật.

Việc quy định các kênh di cư hợp thức trong luật với mức chi phí thấp hơn, mất ít thời gian và quy định đơn giản hơn sẽ giúp giải quyết vấn đề thu phí quá cao so với mức luật định, ngoài ra cũng dễ giám sát và thực thi hơn.

Trong một động thái liên quan, Quốc hội đã bỏ phiếu phê chuẩn Công ước cơ bản số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức của ILO vào hôm thứ Hai vừa qua.

“Để giải quyết các vấn đề rủi ro liên quan đến lao động cưỡng bức, cần phải có một khung pháp lý quốc gia đầy đủ và các chính sách di cư lao động toàn diện dựa trên những tiêu chuẩn lao động quốc tế,” bà Olsen nhận định.

Bà Anna Olsen, Chuyên gia về di cư lao động của ILO cho biết: “Các hành vi lạm dụng liên quan đến tình trạng lệ thuộc do nợ nần xuất phát từ việc trả các khoản phí tuyển dụng có thể dẫn đến nạn lao động cưỡng bức và buôn bán người.”

Theo chuyên gia, việc sửa đổi Luật số 72 mang đến cơ hội cho Việt Nam trong việc đáp ứng các nhu cầu từ nhiều chủ sử dụng lao động và doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu muốn thuê lao động di cư “được tuyển dụng không phí”, theo đó họ không phải trả bất cứ khoản chi phí nào để đi làm việc ở nước ngoài. Điều này sẽ giúp bảo vệ người lao động di cư tốt hơn và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2019, Việt Nam đã phái cử hơn 152.000 lao động di cư ra nước ngoài, hai phần ba trong số này là nam giới. Nhật Bản và Đài Loan, Trung Quốc đã tiếp nhận hơn 90% lao động di cư hợp thức của Việt Nam trong ba năm qua. Hàng năm, Chính phủ đều tăng các mục tiêu di cư lao động cấp quốc gia và cấp tỉnh, tích cực thúc đẩy di cư lao động như một phương tiện tạo công ăn việc làm, nâng cao kỹ năng cho người lao động và giảm nghèo.

Giám đốc ILO Việt Nam cho biết: “Chúng tôi hy vọng Việt Nam có thể thúc đẩy tiềm năng phát triển của di cư và cách tốt nhất để thực hiện việc này là đảm bảo việc bảo vệ quyền của người lao động di cư trước, trong và sau khi di cư lao động. ILO tái khẳng định cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện mục tiêu quan trọng này.”

PV