Hướng nghiệp cho học sinh từ bậc tiểu học
(Dân trí) - Học sinh từ bậc tiểu học cần được hướng dẫn tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường như một hoạt động hướng nghiệp từ sớm.
Nội dung này được Bộ GD&ĐT nhấn mạnh tại dự thảo thông tư Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục vừa ban hành.
Theo dự thảo, công tác hướng nghiệp cho học sinh sẽ bắt đầu từ bậc tiểu học.
Nhiệm vụ của trường tiểu học giúp học nhận biết một số công việc nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội.
Hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường.
Rèn luyện bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng cơ bản như quản lý bản thân, kỹ năng xã hội, tìm hiểu về gia đình, cộng đồng...
Phát triển năng khiếu của học sinh và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng khiếu cho học sinh.
Đối với bậc THCS, tạo môi trường cho học sinh làm quen, trải nghiệm thực tế một số nghề cơ bản phù hợp với điều kiện của nhà trường.
Tư vấn, cùng cố và có kế hoạch phát triển năng khiếu, khuynh hướng nghề nghiệp, việc làm của từng học sinh, nhóm học sinh, khuyến khích hướng dẫn định hướng và bồi dưỡng năng lực cho học sinh phù hợp với các ngành, nghề, việc làm đã lựa chọn.
Đặc biệt, cung cấp, trang bị một số thông tin liên quan để định hướng phân luồng, lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh sau THCS.
Ở bậc THPT, ngoài việc trang bị cho học sinh các kiến thức, kỹ năng phù hợp với các nhóm ngành nghề, trường cần chú ý giúp học sinh trải nghiệm thực tế đối với nhóm ngành, nghề, việc làm tương ứng với nguyện vọng.
Hoạt động hướng nghiệp được lồng ghép, tích hợp trong các môn học và hoạt động giáo dục ở trường; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và thế giới; tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu mỗi năm một lần.