1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Con khát khao chọn nghề tạo mẫu tóc, mẹ quyết liệt can thiệp

Hoài Nam

(Dân trí) - Kế hoạch học hết cấp 3, Mai không thi vào đại học mà theo học nghề tạo mẫu tóc. Tuy nhiên, cô gặp rào cản từ mẹ. Thậm chí, bà nói sẽ... tự vẫn nếu Mai không theo ngành quân đội hoặc dược.

Chọn nghề, bố mẹ ngăn cản 

Nguyễn Thanh Mai (tên nhân vật yêu cầu thay đổi) vừa thi tốt nghiệp THTP tại TPHCM. Từ lâu, cô học trò đã nuôi khát khao theo học về nghề tạo mẫu tóc.

Dự định khi tốt nghiệp THCS, dù lực học tốt, Mai vẫn sẽ chọn học nghề. Nhưng lúc đó, bố mẹ phản đối và Mai chưa bảo vệ được chính kiến.

Cũng thời gian học THPT, Mai đã đi làm thêm tại một salon tóc ở Gò Vấp, TPHCM. Chỉ là chân phụ việc nhưng Mai học được nhiều thứ cơ bản trong ngành tóc: Biết thêm nhiều nguồn tài liệu nghề, làm quen với nhiều anh chị trong nghề và các cơ sở đào tạo ngành tóc chuyên nghiệp. 

Con khát khao chọn nghề tạo mẫu tóc, mẹ quyết liệt can thiệp - 1

Bố cô đã ủng hộ con gái. Nhưng mẹ vẫn khăng khăng con phải vào bằng được ngành quân đội hoặc dược với đủ lý do: Ổn định, thu nhập cao hoặc chí ít phải là kinh tế, ngân hàng. 

Mới đây, khi biết kế hoạch của con chỉ thi tốt nghiệp THPT rồi theo học nghề mình yêu thích, mẹ cô gây căng thẳng, áp lực cho cả nhà. Bà còn doạ sẽ tự vẫn nếu Mai đi học nghề. 

"Em không muốn lãng phí thêm thời gian của bản thân. Em sẽ tiếp tục thuyết phục mẹ để hiểu lựa chọn của này xuất phát từ đam mê, khả năng của mình. Nếu mẹ vẫn "xuôi" thì em cũng không thể làm khác vì đó là đam mê của mình, em không thể làm thứ mình không thích", nữ sinh 18 tuổi cho hay. 

Tại các buổi tư vấn hướng nghiệp ở các trường THCS, THPT tại  TPHCM, nhiều học sinh gặp tình cảnh, các em có thiên hướng ngành nghề cụ thể, muốn đi học nghề nhưng vấp phải sự phản đối từ gia đình.

Con khát khao chọn nghề tạo mẫu tóc, mẹ quyết liệt can thiệp - 2

Nhiều bạn trẻ muốn theo đuổi học nghề nhưng bị bố mẹ phản đối (Ảnh minh họa)

Có em mê sửa ô tô nhưng bị ép đi học nghề kế toán hoặc nấu ăn nhưng bố mẹ chỉ cho con một con đường là theo nghề giáo truyền thống của gia đình. Từ đó dẫn đến nhiều mâu thuẫn, xung đột giữa cha  mẹ và con cái.

Quan tâm "hướng nghiệp" cho... phụ huynh  

Theo nhiều chuyên gia, một trong những khó khăn trong hướng nghiệp phân luồng cho học sinh, theo quản lý các trường phổ thông chính là tư vấn cho học sinh nhưng phụ huynh mới là người quyết định.

Phó Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.1, TPHCM kể, hàng năm ở trường, có những trường hợp học sinh tốt nghiệp THCS, các em xác định được sở thích, muốn theo học nghề. 

Nhà trường nắm rõ từng trường hợp để tư vấn cho các em, có những em rẽ sang học nghề là phù hợp nhưng bố mẹ phản đối rất kịch liệt, làm mọi cách ép con vào bằng được THPT rồi tiếp tục ép con học ngành này, ngành kia không đúng năng lực, sở thích của trẻ. 

Có người can thiệp rất thô bạo vào việc chọn nghề của con, thậm chí dùng cả tính mạng ép con chọn nghề. 

Trong khi, phụ huynh nhiều người đánh giá sai năng lực của con, chưa có cái nhìn đa dạng về ngành nghề, nhìn về nghề nghiệp còn hạn hẹp.

Thêm tâm lý trọng bằng cấp, nhìn bề nổi như nghề đó có tiếng tăm, an nhàn, thu nhập cao mà không quan tâm đến đam mê, năng lực của con.  

Trong công tác hướng nghiệp sau THCS, ngoài học sinh, mảng tư vấn cho phụ huynh đang được chú trọng.

Con khát khao chọn nghề tạo mẫu tóc, mẹ quyết liệt can thiệp - 3

Phụ huynh cũng cần được hướng nghiệp để hiểu về đào tạo nghề (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Tại Trường THCS Sương Nguyệt Anh (Q.8), mỗi năm, khoảng 20% học sinh khối 9 hướng sang con đường giáo dục nghề nghiệp.

Thầy Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch phân luồng cho từng học sinh dựa trên năng lực, tính cách, xu hướng của các em. Đặc biệt, chủ động liên hệ, tư vấn cho phụ huynh để phụ huynh nắm rõ. 

Hay một số trường THCS ở TPHCM, tổ chức những câu lạc bộ nghề nghiệp như đầu bếp, nhiếp ảnh, kịch, khéo tay để ngay từ sớm, phụ huynh hình dung thêm về ngành nghề, nhìn thấy xu hướng của con. 

Các trường cũng phối hợp với các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, các trường nghề cung cấp thông tin, tư vấn ngành nghề để phụ huynh hiểu về con, hiểu đúng về trường nghề.  Đồng thời, trang bị cho học sinh những kỹ năng để thuyết phục gia đình hướng đi mình chọn để tìm tiếng nói chung. 

Con phải là người quyết định 

Theo TS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia cơ sở TPHCM nhiều trường phụ huynh áp đặt con mọi việc trong cuộc sống.

Nhất là việc chọn nghề, họ "rải thảm đỏ" cho con chọn nghề này, học trường này, ra đi làm ở đâu. Nhưng rồi, "thảm đỏ" của cha mẹ có khi là bi kịch của đứa con. Con mất đi khả năng tự lập, mất cơ hội được sống là chính mình, được dấn thân theo năng lực, đam mê.

Có những điều bố mẹ đừng bao giờ quyết định thay con là chọn người yêu, chọn vợ chồng và chọn nghề. Bố mẹ chỉ dừng lại ở mức là người tư vấn, định hướng, giúp con nhận biết năng lực bản thân. Còn con, phải là người tự quyết định, tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. 

Bởi vì, bà Thúy nhấn mạnh: "Dù là bố mẹ nhưng chúng ta  không sống thay cuộc đời của con được, không gánh thay nỗi bất hạnh cho con được".