Học sinh giỏi chủ động "rớt" lớp 10, rẽ ngang sang...giáo dục nghề nghiệp

Hoài Nam

(Dân trí) - Một điều dễ nhận thấy ở TPHCM, nhiều em học lực khá, giỏi chủ động "rớt" khỏi lớp 10 bằng cách không tham kỳ tuyển sinh mà chủ động tham gia đào tạo nghề.

Ủng hộ lựa chọn của con

Anh Lê Văn Cương (nhà ở Củ Chi, TPHCM) cho biết, con gái anh vừa tốt nghiệp lớp 9. Sau khi vợ chồng anh cùng con cân nhắc mọi điều kiện về tài chính, sở thích, định hướng nghề nghiệp của cháu, cả nhà quyết định: Cháu sẽ theo học nghề và không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Con gái anh học lực khá nên sẽ không quá khó để thi đỗ vào trường THPT gần nhà. Nhưng cháu lại đam mê công việc nấu ăn, pha chế, suốt ngày tìm kiếm, mày mò, bày biện khắp nhà mấy thứ này. Học xong lớp 9, cháu muốn được theo học nghề trước. 

Học sinh giỏi chủ động rớt lớp 10, rẽ ngang sang...giáo dục nghề nghiệp - 1

Nhiều học sinh tốt nghiệp THCS không tham gia vào kỳ tuyển sinh lớp 10 công lập mà chọn học nghề

"Với quyết định này cháu không phải bước vào kỳ thi lớp 10, vốn rất căng thẳng không đáng có vì không theo định hướng của lớp trẻ. Chọn nghề, cháu sẽ được trải nghiệm, tìm hiểu về đam mê của bản thân sớm hơn", ông bố Lê Văn Chương nói thêm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, năm nay TPHCM có trên 100.000 học sinh tốt nghiệp THCS. Nhưng chỉ hơn 81.000 học sinh tham gia vào kỳ tuyển sinh lớp 10 vừa qua, khoảng 20.000 học sinh đã chủ động phân luồng như học tư thục, theo học nghề hay các kế hoạch du học. 

Cũng theo vị Phó GĐ Sở, nhiều học sinh khi học văn hóa không có hứng thú. Nhưng khi chuyển sang học nghề, các em học rất tốt, rất thành công.

Cháu đang cân nhắc chọn trường trung cấp nghề có đào tạo 9 + về ngành liên quan đến đầu bếp, pha chế kết hợp học văn hóa để sau này, khi đi làm rồi sẽ học lên cao hơn. 

Nhận định về xu hướng bạn trẻ chọn học nghề, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM đồng tình: "Con đường vào lớp 10 công lập không phải là đường duy nhất của các em. Các em có nhiều lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh, năng lực, sở thích của bản thân, trong đó việc học nghề sau khi tốt nghiệp THCS mở ra rất nhiều hướng...".

Hiểu đúng mình

Cùng bàn về vấn đề này, một nữ hiệu trưởng ở TPHCM bày tỏ, trước đây nhiều người suy nghĩ, học sinh không thi nổi vào lớp 10 mới chọn học nghề nhưng cách nghĩ không còn hợp lý.

Vài năm gần đây, cả những em học lực khá, giỏi cũng chủ động "rớt" lớp 10, không tham gia vào kỳ thi này để theo học nghề các em yêu thích. Hay có cả trường học, các em thi đỗ vào lớp 10 công lập nhưng không theo học mà học nghề. 

Học sinh giỏi chủ động rớt lớp 10, rẽ ngang sang...giáo dục nghề nghiệp - 2

(Ảnh: Phạm Nguyễn)

"Tôi có cô học trò, em học tốt, nhất là tiếng Anh, có thể thi vào bất cứ trường THPT nào. Nhưng em đam mê và có hẳn kế hoạch Startup theo nghề Nail ngay từ đầu những năm THCS. Từ năm lớp 8 em đã có kế hoạch, học xong lớp 9 sẽ đi theo học nghề Nail", nữ hiệu trưởng chia sẻ. 

Có thể lúc đầu bố mẹ phản đối nhưng thấy rõ định hướng của con, thầy cô tư vấn thêm, gia đình đã ủng hộ con. Cháu mới học nghề hơn một năm, đã mở một tiệm làm Nail.

Cũng theo nữ hiệu trưởng này, việc tham gia đào tạo nghề sớm, các em có thể bước vào thị trường lao động sớm, có thu nhập và hiểu rõ nhất được bản thân, không bị mơ hồ trong con đường hướng nghiệp và có thể học tiếp lên CĐ, ĐH. 

Học sinh giỏi chủ động rớt lớp 10, rẽ ngang sang...giáo dục nghề nghiệp - 3

Các em sớm chọn học nghề theo năng lực, định hướng của bản thân (Ảnh minh họa)

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, tỷ lệ học sinh chọn học nghề sau THCS ít nhiều có khởi sắc.

Tại Quận 6, hàng năm có khoảng 400 học sinh lớp 9 đăng ký học nghề và không thi vào lớp 10. Tổng số rẽ sang học nghề hàng năm trên 800 học sinh, gồm cả những học sinh không đậu trong kỳ thi lớp 10. 

Tuy nhiên ông Nguyễn Văn Hiếu thừa nhận, chủ trương phân luồng sau THCS đã được thực hiện từ lâu với rất nhiều giải pháp, tuyên truyền nhưng thực tế hiệu quả vẫn chưa cao.

Theo đó, số học sinh sau THCS theo học trung cấp chuyên nghiệp tại TPHCM mới khoảng 5%. Các trường ở bậc THCS đã dần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó nhấn mạnh đến việc học nghề là một trong các lựa chọn cho học sinh để phù hợp với năng lực, sở thích, định hướng điều kiện... của học sinh.  

Cơ hội rộng mở với giáo dục nghề nghiệp

Theo ông Lê Duy Tân - Trường phòng Giáo dục Phổ thông,  Sở GD&ĐT TPHCM - học sinh có "con đường" rất rộng mở là hướng nghiệp học nghề sau khi hoàn thành bậc THCS.

"Đừng bao giờ nghĩ chọn nghề là do không đủ năng lực vào THPT mà đây là việc chúng ta có nhiều lựa chọn, nhiều con đường để đi. Khi có nhiều con đường, trước hết chúng ta sẽ rất lạc quan..." - ông Lê Duy Tân nói.

Theo ông Tân, với rất nhiều trường hợp, học nghề sau THCS là lựa chọn tốt nhất vì đây là cơ hội để các em thể hiện bản thân, thử thách ở môi trường mình chủ động lựa chọn lộ trình phù hợp với năng lực, đam mê và cả xu hướng xã hội.