Hướng dẫn xác định nguồn chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 38/2019/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 44/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Thông tư nêu rõ về nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP trong năm 2019 của các bộ, cơ quan Trung ương. Theo đó, đối với các cơ quan hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể, nguồn kinh phí gồm:
Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (nếu có). Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019. Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (nếu có). Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019.
Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao.
Ngân sách trung ương bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan Trung ương trong trường hợp các nguồn kinh phí theo quy định nêu trên nhỏ hơn nhu cầu kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo quy định.
Theo Thông tư, nguồn kinh phí thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP, Nghị định số 44/2019/NĐ-CP trong năm 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm:
Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 theo Quyết định giao dự toán của Bộ Tài chính. Sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) thực hiện so với dự toán năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao.
Sử dụng 50% phần ngân sách nhà nước giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính (do thực hiện tinh giản biên chế và đổi mới, sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả) và các đơn vị sự nghiệp công lập (do thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập).
Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương nguồn kinh phí còn thiếu sau khi đã sử dụng các nguồn theo quy định.
Kinh phí thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP đối với biên chế, lao động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và cán bộ thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp được bảo đảm từ nguồn chi quản lý bộ máy theo quy định.
Kinh phí thực hiện Nghị định số 38/2019/NĐ-CP đối với biên chế, lao động trong các cơ quan, đơn vị đang thực hiện khoán chi mà trong quyết định khoán chi của cấp có thẩm quyền quy định trong thời gian khoán, cơ quan, đơn vị tự sắp xếp trong mức khoán để đảm bảo các chế độ, chính sách mới ban hành (ví dụ: cơ quan Thuế, cơ quan Hải quan, Đài Truyền hình Việt Nam), được bảo đảm trong tổng nguồn kinh phí đã được khoán.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06/9/2019.
Theo L.P/Chinhphu.vn