Đồng loạt tăng lương cơ sở và lương hưu, lao động bơ vơ vì chủ DN “mất hút”

(Dân trí) - Người làm công hưởng lương có thể nhận trợ cấp thất nghiệp tới trăm triệu đồng, tăng lương cơ sở và trợ cấp xã hội, công nhân “ăn chực nằm chờ” vì chủ doanh nghiệp “mất hút”, chưa tham gia BHYT vì còn trẻ khoẻ, thanh tra 80 đơn vị nợ BHXH, BHYT ở Hà Nội…là những thông tin lao động việc làm, tiền lương tuần qua.

Đồng loạt tăng lương cơ sở và lương hưu, lao động bơ vơ vì chủ DN “mất hút” - 1

Ngày mai (1/7): Hàng triệu lao động thụ hưởng 5 chính sách tiền lương và việc làm mới

Thống kê của Chuyên mục Việc làm (Báo Dân trí), từ ngày 1/7/2019, nhiều chính sách mới và tác động có lợi tới hàng triệu người lao động bắt đầu hiệu lực, như: Lương cơ sở tăng thêm 100.000 đồng/tháng; lương hưu, trợ cấp BHXH tăng thêm 7,19%; mốc tuổi hưu của sỹ quan Công an có thể kéo dài thêm 10 năm.

Bên cạnh đó, quy định mới nhằm điều chỉnh mức lương của công nhân quốc phòng, quy định bổ sung thêm 3 trường hợp tiếp nhận vào công chức không qua thi tuyển cũng bắt đầu có hiệu lực. (Cụ thể).

Có thể nhận hàng trăm triệu đồng từ …bảo hiểm thất nghiệp

Chia sẻ thông tin với bạn đọc tại Chương trình Giao lưu trực tuyến về giải đáp chính sách bảo hiểm thất nghiệp 2019, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Chỉ khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động mới thực sự hiểu rõ hơn ý nghĩa của các hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.

Theo đó, người thất nghiệp không chỉ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề, người lao động còn được nhận chi trả thất nghiệp. “Nhiều trường hợp lên tới hàng trăm triệu đồng, căn cứ theo thời gian công tác và mức lương…” - ông Lê Quang Trung cho biết. (Chi tiết).

Nhiều công nhân ở Bình Định "ăn chực nằm chờ" vì chủ doanh nghiệp FDI “mất hút”

“Sau khi công ty đóng cửa, khoảng 20% người lao động tìm được việc làm mới, số còn lại ở độ tuổi ngoài 40 nên khó thoát cảnh “ăn chực nằm chờ…” - Ông Trần Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO), cho biết.

Đơn cử như trường hợp của chị Tuyết, một trong số nhiều nhân viên của Cty BISUCO đang sống lay lắt từ những đồng tiền ít ỏi tích góp.

Một ngày của chị bắt đầu dậy từ 2 giờ sáng nấu xôi rồi gánh ra chợ sạn trước cổng công ty để bán. Những ngày đắt hàng, chị kiếm được 70.000 - 80.000 đồng, còn bữa ế cả nhà đành ăn xôi trừ bữa.

Trong khi đó, chồng chị cũng là công nhân cũ ở BISUCO. Anh bị hen suyễn nặng nhưng vẫn phải lao lực đi sớm về khuya, cố bám trụ với công việc thời vụ trong một xưởng gỗ thuộc khu công nghiệp Long Mỹ (TP Quy Nhơn), cách nhà 50km. (Xem thêm).

“Chưa tham gia BHYT vì cho rằng còn …trẻ và khoẻ"

Bày tỏ lo ngại khi còn tới khoảng 1 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia chính sách bảo hiểm y tế, ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN, cho biết: Số đối tượng trên chủ yếu thuộc các học sinh, sinh viên năm thứ 2 ở khối các trường Trung cấp và đại học.

Phân tích nguyên nhân, ông Phạm Lương Sơn cho rằng nhận thức chưa đúng của nhóm đối tượng trên về bảo hiểm y tế là một trong những trở ngại chính.“Nhiều bạn trẻ chưa tham gia BHYT vì còn duy trì quan niệm sai lầm khi cho rằng còn trẻ và khoẻ. Nên chưa thấy cần phải tham gia BHYT” - ông Phạm Lương Sơn cho biết.

Trong khi đó, chính sách BHYT luôn được coi là một “tấm lưới” an sinh quan trọng, hỗ trợ cho người dân khi không may bị ốm đau cần hỗ trợ khám, cấp thuốc, điều trị nội trú và ngoại trú, phẫu thuật…dù ở bất kỳ độ tuổi và giới tính nào. (Xem tiếp).

Chuyên gia “mật bí” về đàm phán lương tối thiểu vùng 2020

Tháng 7/2019, Phiên đàm phán lần 2 về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2020 sẽ được diễn ra. Trước đó trong tháng 6, đàm phán tạm dừng với khoảng cách đề xuất giữa các bên tới 5 %.

Vậy, khoảng cách này nói lên sự khác biệt gì trong việc đánh giá các yếu tố trong mức sống tối thiểu? Các yếu tố nào chi phối tới việc tính toán “rổ hàng hoá” trong mức sống tối thiểu?

Những thắc mắc này phần nào được chuyên gia về lao động tiền lương chia sẻ.

Theo bà Tống Thị Minh - nguyên Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), nguyên thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia: “Hội đồng tiền lương của nhiều quốc gia đều gặp phải vấn đề chung khi bàn về tăng lương tối thiểu, đó là sự khác biệt trong nhìn nhận quyền lợi và sự thống kê dữ liệu khác nhau về mức sống tối thiểu…” (Chi tiết).

Đồng loạt thanh tra 80 đơn vị nợ đóng BHXH trong tháng 7

Từ ngày 1/7, đoàn thanh tra liên ngành của TP Hà Nội sẽ làm việc với 80 đơn vị đang nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bải hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) với số tiền lớn và thời gian kéo dài.

Đoàn thanh tra sẽ chia làm 4 tổ công tác. Mỗi tổ công tác thực hiện thanh tra tại 20 đơn vị. Nội dung thanh tra sẽ gồm việc chấp hành Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Việc làm, đặc biệt là quá trình đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Cảnh báo của cơ quan chức năng cho thấy, hết tháng 5/2019, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn thành phố Hà Nội đã lên tới hơn 3.430 tỉ đồng (chiếm 7,91% kế hoạch thu), trong đó hơn 11.449 đơn vị nợ kéo dài trên 36 tháng, tương ứng với số tiền là 663,3 tỷ đồng. (Xem thêm)

Hoàng Mạnh tổng hợp