1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Hơn 24.000 người thành thất nghiệp, Bình Định tìm cách gỡ

Doãn Công

(Dân trí) - Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, hiện tỉnh có hơn 24.000 lao động thất nghiệp, tập trung chủ yếu vào các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như chế biến gỗ, may mặc, giày da, thủy sản.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, toàn tỉnh hiện có hơn 24.000 người trên tổng số 845.000 người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Dự báo con số này còn tiếp tục tăng cho đến cuối năm.

Doanh nghiệp trong các ngành trước đây cần nhiều lao động như gỗ, dệt may, da giày, thủy sản... đang gặp nhiều khó khăn. Riêng ngành gỗ, có 32 doanh nghiệp giảm ngày công, giờ làm, thậm chí cho công nhân thôi việc... Điều này ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của hàng nghìn lao động.

Hơn 24.000 người thành thất nghiệp, Bình Định tìm cách gỡ  - 1

Có khoảng 15.000-20.000 lao động làm việc trong ngành gỗ ở Bình Định đang gặp khó khăn (Ảnh: Doãn Công).

Ông Đặng Văn Phụng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung thu thập nhu cầu tuyển dụng lao động (số lượng, trình độ, ngành nghề…) của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Sở cũng cố gắng dự báo sát nhu cầu tuyển dụng lao động hàng tháng; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động đến các huyện, xã và các khu, cụm công nghiệp để kết nối cung - cầu lao động.

Theo ông Phụng, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Định đã tổ chức 15 phiên giao dịch tại các sàn, phiên lưu động và trực tuyến. Qua đó, tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề cho hơn 27.000 lượt người; cung ứng và giới thiệu việc làm cho gần 1.300 người. 

Đặc biệt, UBND tỉnh Bình Định cũng xác định công tác đưa người đi xuất khẩu lao động nước ngoài, là giải pháp tạo việc làm có thu nhập cao, góp phần giảm nghèo bền vững…

Hơn 24.000 người thành thất nghiệp, Bình Định tìm cách gỡ  - 2

Công ty CP Giày Bình Định hiện duy trì 100-150 lao động làm luân phiên nhưng mỗi người cũng chỉ làm 4-5 ngày/tháng (Ảnh: Bình Định).

Ngoài chính sách của Trung ương, Bình Định còn có chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp người lao động tích cực tham gia công tác xuất khẩu lao động.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, từ đầu năm đến nay, có hơn 450 lao động của tỉnh xuất ngoại. Trong đó, đi Hàn Quốc có 11 người, Nhật Bản 415 người, Đài Loan 16 người, các nước khác 12 người.

Để tháo gỡ khó khăn giúp người lao động, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định cho rằng các doanh nghiệp cần sắp xếp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh; sản xuất các đơn hàng theo thứ tự ưu tiên, đồng bộ để tiết kiệm chi phí; tìm kiếm đơn hàng từ các đối tác.

Trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc làm theo quy định của pháp luật.

Về phía địa phương, ông Phụng cho biết thêm, Sở đang chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, cập nhật nhu cầu học nghề của người lao động, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề theo nhu cầu để tự tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, ngành lao động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác cho vay giải quyết việc làm. Trong đó, chú trọng gắn kết với người đã qua đào tạo nghề để tự tạo việc làm ổn định; ưu tiên các dự án khởi nghiệp, các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, thu hút thêm lao động.

Kiến nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạm hoãn, hoặc không tính lãi, hoặc kéo dài thời gian đóng các khoản chi phí liên quan đến thuế, phí, tiền thuê đất, BHXH, lãi suất tín dụng ngân hàng…

Tiếp tục bổ sung nguồn vốn Trung ương cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân.