1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bình Định:

Hơn 1.000 công nhân nhận thông báo dừng việc

Doãn Công

(Dân trí) - Sau đợt giảm 600 lao động cách đây hơn 1 tháng, Công ty CP Giày Bình Định tiếp tục tạm hoãn hợp đồng lao động với khoảng 700 lao động còn lại.

Ngày 8/6, Công ty CP Giày Bình Định (ở TP Quy Nhơn, Bình Định) thông báo tạm hoãn hợp đồng lao động với 700 công nhân, trong thời gian từ nay đến cuối tháng 8. Lý do, công ty không có đơn hàng.

Cộng với đợt giảm 600 lao động cách đây hơn 1 tháng, đã có hơn 1.000 người đang làm việc tại đây đột ngột thất nghiệp, đời sống rơi vào cảnh khó khăn.

Hơn 1.000 công nhân nhận thông báo dừng việc - 1

Chỉ trong vòng 1 tháng, hàng nghìn công nhân ở Công ty CP Giày Bình Định mất việc (Ảnh: Bình Định).

Bà Phan Thị Thùy Trang, quản lý phân xưởng may của Công ty CP Giày Bình Định, chia sẻ: "Tôi đã có 34 năm gắn bó với công ty. Việc tạm hoãn hợp đồng lao động trong 3 tháng, chúng tôi cũng không quá bất ngờ vì thời gian qua công ty gặp nhiều khó khăn. Đa số công nhân có tay nghề, gắn bó lâu năm với công ty đều mong muốn tiếp tục làm việc trở lại sau 3 tháng tạm hoãn".

Chị Hồ Thị Hoa, người có 4 năm làm việc tại đây tâm tư: "Làm công nhân, tôi có thu nhập 6-7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chồng tôi làm thuê cho các chủ vườn keo, tiền cả hai kiếm được cộng lại cũng tạm để nuôi 2 con ăn học. Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu tôi không kiếm được việc làm mới thì chắc chắn cuộc sống của gia đình sẽ vất vả vô cùng".

Chị Hoa cũng chia sẻ thêm, hiện chưa có quyết định thôi việc nên chưa được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Hơn 1.000 công nhân nhận thông báo dừng việc - 2

Nhiều chuyền cho công nhân được báo tạm dừng việc 3 tháng chờ đơn hàng mới (Ảnh: Bình Định).

Theo ông Võ Xuân Cẩm, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Giày Bình Định, công ty tạm hoãn hợp đồng lao động là muốn giữ người lao động lại.

"Công ty đã làm việc với các cơ quan chức năng, nếu người lao động chờ được thì chúng tôi sẽ tạm hoãn hợp đồng lao động, còn không chờ được thì doanh nghiệp sẽ giải quyết thôi việc theo nguyện vọng", ông Cẩm nói.

Ông Cẩm cho biết thêm, hiện có 451 lao động tự nguyện viết đơn xin thôi việc, còn lại 764 công nhân chấp nhận tạm hoãn việc vì công ty hết hàng. Công ty chỉ duy trì 100-150 lao động đi làm luân phiên để giải quyết những đơn hàng nhỏ cho khách hàng đang trong kế hoạch sản xuất.

"Đối với những lao động viết đơn thôi việc có thời gian làm việc từ năm 2008 trở về trước, công ty sẽ trả tiền trợ cấp thôi việc, mỗi năm thâm niên được nửa tháng lương bằng mức lương bình quân của 6 tháng liền kề. Bên cạnh đó, công ty hỗ trợ 1 tháng lương tối thiểu vùng là 3.640.000 đồng", ông Cẩm nói.

Theo ông Cẩm, dự kiến sau thời gian tạm hoãn, công ty sẽ hoạt động trở lại với dự kiến sử dụng khoảng 650-700 lao động.

"Khi hoạt động trở lại công ty sẽ ưu tiên tuyển dụng lại những lao động đã từng làm việc vì dù sao đây cũng là những người đã gắn bó lâu năm với công ty", ông Cẩm nói.

Theo ông Đặng Văn Phụng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, nhận được báo cáo giảm lao động của Công ty CP Giày Bình Định, đầu tháng 5 vừa qua, Sở đã họp với các sở, ban, ngành liên quan, hướng dẫn công ty thực hiện đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

"Sở đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc theo dõi việc thực hiện tạm hoãn hợp đồng lao động của Công ty CP Giày Bình Định theo quy định của Bộ luật Lao động 2019; trong đó có việc nhận lại người lao động sau khi hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động", ông Đặng Văn Phụng cho hay.

Hơn 24.000 lao động thất nghiệp

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 24.000 lao động thất nghiệp. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 25.000 người vào cuối năm.