Hơn 14.500 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10
(Dân trí) - Theo Cục quản lý lao động ngoài nước, các doanh nghiệp XKLĐ đã đưa 14.548 lao động xuất cảnh trong tháng 10. Cũng thời gian này, nhiều thông tin đáng chú ý như Hàn Quốc truy quét và ân xá cho lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp, Nhật Bản nới lỏng cho lao động nhập cư...
Hơn 116.600 lao động tham gia XKLĐ
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), các doanh nghiệp XKLĐ đã đưa 14.548 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 năm 2018.
Về phân bổ thị trường lao động, Nhật Bản xếp hàng đầu với 8.078 lao động, trong đó có 3.204 nữ. Tiếp sau lần lượt là các thị trường Đài Loan: 5.373 lao động, trong đó có 1.557 lao động nữ; Hàn Quốc: 522 lao động, trong đó có 46 lao động nữ; Ả rập - Xê út: 120 lao động, trong đó có 107 lao động nữ…
Một số thị trường thu hút dưới 100 lao động như: Malaysia: 64 lao động, Rumania: 71 lao động nam, Kuwait: 62 lao động…
Thống kê trong 10 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 116.675 lao động (41.636 lao động nữ) đạt 106,07% kế hoạch năm 2018.
Trong tháng 10, thông tin về việc Chính phủ Nhật Bản công bố chương trình nới lỏng quy định tuyển dụng lao động nhập cư và cho phép người lao động nước ngoài có kỹ năng lưu trú lâu dài, đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp XKLĐ và người lao động Việt Nam.
Tuy nhiên quy định mới này chỉ có hiệu lực từ ngày 1/4/2019. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản sẽ cần hoàn thiện và trình quốc hội phê duyệt các sửa đổi liên quan đến luật lao động.
Hàn Quốc: Truy quét và ân xá
Cũng từ tháng 10/2018 tới tháng 3/2019, Bộ Tư pháp Hàn Quốc thông báo áp dụng chính sách truy quét và ân xá đối với người lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tự nguyện về nước.
Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ truy quét và xử phạt đối với các hành vi sử dụng lao động bất hợp pháp trong ngành xây dựng, các công việc ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của người bản địa và những công việc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục như kinh doanh giải trí không lành mạnh, kinh doanh massage.
Trường hợp người lao động nước ngoài bị phát hiện làm việc bất hợp pháp trong ngành xây dựng sẽ bị trục xuất về nước ngay. Việc này được áp dụng khi người lao động còn thời hạn cư trú và áp dụng cho những trường hợp vi phạm lần đầu.
Trường hợp người lao động nước ngoài bị bắt trong các đợt truy quét sẽ bị trục xuất về nước, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hạn chế nhập cảnh trong thời hạn tối đa 10 năm. Đồng thời, phía Hàn Quốc sẽ liệt kê vào danh sách và thông báo với Cơ quan chức năng nước nhà.
Chính phủ Hàn Quốc cũng thực hiện chính sách ân xá với lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp với thời gian áp dụng từ 01/10/2018 đến hết ngày 31/03/2019.
Nếu lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước trong khoảng thời gian nêu trên, sẽ không bị hạn chế nhập cảnh Hàn Quốc. Đồng thời, Chính phủ Hàn Quốc sẽ không liệt kê đối tượng trên vào danh sách và thông báo với Cơ quan chức năng nước nhà.
Hoàng Mạnh