Hội An: Khó khăn vì dịch Covid-19, nhân sự du lịch "xoay" đủ nghề

Ngô Linh

(Dân trí) - Tại Hội An (Quảng Nam), nhiều lao động du lịch quay trở lại với nghề nông, hoặc làm công nhân, xe ôm công nghệ, bán hàng online… mưu sinh qua ngày, chờ du lịch phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Bỏ phố về quê

Trải qua 4 đợt "sóng" dịch Covid-19, du lịch Hội An (Quảng Nam) đã gặp nhiều khó khăn. Lao động trong ngành "công nghiệp không khói" này phải quay trở lại với nghề nông, đánh bắt hải sản để mưu sinh qua ngày, chờ du lịch hồi phục.  

Gia đình chị Nguyễn Thị Lên (sinh năm 1984, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên), có nhiều đời theo nghề đan chiếu cói, kinh tế bấp bênh. Khi nghề truyền thống không còn hưng thịnh như xưa, chị theo người trong làng sang thành phố Hội An làm du lịch.

Cuộc sống khá lên nhờ du lịch, già trẻ lớn bé đổ xô về phố cổ tìm kiếm cơ hội đổi đời. Nghề chiếu cói chỉ còn người lớn tuổi ở quê giữ gìn. Những đợt dịch Covid-19 "tấn công" liên tiếp khiến ngành du lịch Hội An "đóng băng". Những người làm du lịch như chị Nguyễn Thị Lên lại phải khăn gói trở về quê sống nhờ ruộng đồng.

Hội An: Khó khăn vì dịch Covid-19, nhân sự du lịch xoay đủ nghề - 1

Qua 4 làn sóng dịch Covid-19, du lịch Hội An "đóng băng" dài hạn, nhân sự du lịch mất việc hàng loạt, phải chuyển nghề để mưu sinh.

"Tôi làm buồng phòng cho một khách sạn, dịch Covid-19 họ cũng đóng cửa. Nhiều người như tôi lại về quê theo nghề đan chiếu kiếm thêm thu nhập trang trải, hoặc làm nông như xưa. Nhưng nghề cũng bấp bênh khi thị trường dần hạn hẹp, thu nhập chẳng đáng là bao", chị Nguyễn Thị Lên buồn bã nói.  

Ông Trần Văn Định (xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An) từng gắn bó với nghề nuôi tôm sú hơn 10 năm. Vài năm trước, khi những tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trải nghiệm ở địa phương phát triển mạnh, gia đình ông xin vào làm tại khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu gần nhà. Vậy là ao hồ nuôi tôm bỏ hoang nhiều năm qua.

Sau những đợt dịch Covid-19 liên tiếp xảy ra, khu du lịch đóng cửa, không có việc làm, ông quay lại đầu tư cải tạo ao hồ để thả tôm nuôi. Theo ông Trần Văn Định, bây giờ phải duy trì cả nghề nuôi tôm và du lịch, không thể sống phụ thuộc vào một nghề vì quá rủi ro.

Hội An: Khó khăn vì dịch Covid-19, nhân sự du lịch xoay đủ nghề - 2

Nhiều hàng quán trong phố cổ phải bán hoặc cho thuê.

Loay hoay đủ nghề để kiếm sống

Vợ chồng anh Phan Hùng (xã Cẩm Thanh, Hội An) cùng làm cho một doanh nghiệp may đo thời trang phục vụ du lịch tại thành phố Hội An. Dịch Covid-19 bùng phát, cả hai đều mất việc. Để mưu sinh, anh Phan Hùng phải xoay sở đủ nghề. Vợ anh lại mang thai nên kinh tế càng thêm eo hẹp.

"Ban đầu tôi xin làm công nhân may. Thế nhưng cũng vì dịch dã, ế ẩm, chỗ tôi làm phải giảm bớt nhân công, tôi lại thất nghiệp. May được người bạn giới thiệu qua xí nghiệp gỗ, lương không cao nhưng cũng đủ đắp đổi qua ngày. Tôi quê ở đây nên cũng đỡ, chứ nhiều người bạn không trụ nổi đã khăn gói về quê", anh Phan Hùng tâm sự.

Hội An: Khó khăn vì dịch Covid-19, nhân sự du lịch xoay đủ nghề - 3

Nhiều người làm du lịch "bỏ phố về quê" mưu sinh, mong chờ qua đại dịch.

Làm hướng dẫn viên du lịch đã hơn 7 năm, giờ phải chuyển qua bán hàng online khiến chị Nguyễn Thị Tuyết (SN 1991, TP Hội An) gặp khá nhiều khó khăn.

Ngành du lịch dịch vụ chiếm 75% tỷ trọng cơ cấu kinh tế của thành phố Hội An. Hai đợt dịch Covid-19 trực tiếp "tấn công" địa bàn, khiến cho ngành du lịch tại điểm đến du lịch nổi tiếng này lao đao.

Đại dịch làm người dân ở đây nghèo đi trông thấy. Năm 2020, thu nhập trung bình tính theo đầu người ở Hội An giảm gần 14 triệu đồng. Thu nhập của họ thua cả mức trung bình của người dân ở nhiều huyện khác ngay trong tỉnh Quảng Nam.

Chị kể, hơn một năm qua, chị cứ chờ đợi được có công ăn việc làm lại khi dịch bệnh được kiểm soát, rồi lại hụt hẫng. Tiền tiết kiệm cũng dần vơi, nên chị quyết định học bạn bè bán hàng online.

"Nói thật cũng lắm nhiêu khê, nhưng biết làm sao. Rảnh rỗi thì lên mạng học thêm ngoại ngữ, kỹ năng…", chị Nguyễn Thị Tuyết nói về những ngày nghỉ làm du lịch, chuyển sang bán hàng online kiếm sống.

Thời gian qua, do sự phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm quá "nóng", nhiều người dân tự phát làm du lịch. Dịch Covid-19 xảy ra cũng là bài học đắt giá để Hội An đánh giá lại, nhận diện và tìm hướng đi du lịch bền vững. Không thể "bỏ trứng hết vào một giỏ" như trước, cần giải pháp giảm phụ thuộc vào ngành kinh tế du lịch.

Theo ông Phùng Hữu - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hội An, từ giữa tháng 2/2020 đến nay, đã có hơn 14 nghìn đoàn viên, người lao động trên địa bàn thành phố bị mất việc làm, đây là một tác động chưa có tiền lệ.

Đến tháng 3 năm nay, Liên đoàn Lao động thành phố chỉ còn hơn 300 đoàn viên, người lao động của 53 công đoàn cơ sở trực thuộc so với con số hơn 5.000 vào đầu năm 2020.

"Đến nay, nhiều công đoàn cơ sở chỉ còn 2 đến 5 đoàn viên, người lao động còn hợp đồng và tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Số lao động mất việc chủ yếu phải tạm thời chuyển đổi ngành nghề để trang trải cuộc sống hàng ngày, dễ thấy nhất là bán hàng online", ông Phùng Hữu cho hay.