Hàng ngàn công nhân bị nợ lương, bảo hiểm, sao 2 năm vẫn không đòi nổi?
(Dân trí) - "Có công nhân bị nợ lương nhiều tháng, đi làm nơi khác rồi vẫn không được nhận lương. Là cán bộ công đoàn, thấy quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng không giải quyết được cảm giác rất bất lực!".
Ý kiến tâm huyết trên là của ông Nguyễn Đình Cường, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP Thủ Đức (TPHCM) tại hội thảo "Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát - thực trạng và giải pháp" khiến nhiều người tham dự đồng cảm diễn ra chiều 4/8.
Dẫn chứng, ông Cường kể ngay chuyện sáng cùng ngày vừa tiếp 1 công nhân phản ánh bị chủ doanh nghiệp nợ lương nhiều tháng, đi làm nơi khác rồi mà vẫn không được nhận lương. Dù vậy, cán bộ công đoàn cũng đành "bó tay", không thể vào cuộc xử lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Nguyên nhân vì công đoàn chỉ có quyền tham gia giám sát, phối hợp chứ không được xử lý. Do đó, khi cán bộ công đoàn đến doanh nghiệp để đòi quyền lợi cho công nhân thì chủ doanh nghiệp viện cớ, lấy đủ lý do để từ chối.
Khi tổ chức công đoàn đề nghị đơn vị quản lý lao động để thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có sai phạm về pháp luật lao động thì phải chờ kế hoạch thanh kiểm tra hằng năm… Ông Cường cho biết, có trường hợp đề nghị kiểm tra 2 năm rồi mà vẫn chưa được.
"Bị ràng buộc bởi nhiều quy định nên chúng ta không chủ động được. Trong khi đó, tình hình doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… rất phổ biến. Mình thấy quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, muốn can thiệp lắm, nóng ruột lắm mà không làm gì được", ông Nguyễn Đình Cường nhấn mạnh.
Theo ông Cường, quy định tổ chức công đoàn chỉ có quyền tham gia giám sát như hiện nay rất bị động. Đến lúc làm đủ các thủ tục phối hợp các cơ quan khác can thiệp thì quyền lợi của người lao động đã bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Khi ấy, rất dễ đến việc ngừng việc tập thể.
Do đó, ông kiến nghị cần nghiên cứu, đề xuất giao quyền chủ động giám sát các sai phạm ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động cho tổ chức công đoàn, để công đoàn có thể bảo vệ quyền lợi của người lao động tốt hơn.
Vấn đề này, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cũng cho biết: "Thực tế khảo sát tại các tỉnh thành cho thấy công tác tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp là rất khó khăn vì công đoàn chỉ có quyền tham gia với các đơn vị khác, rất bị động".
Còn theo ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, các quy định chồng chéo, thiếu thực tế là nguyên nhân khiến hoạt động bảo vệ quyền lợi người lao động không hiệu quả.
Ông Phạm Chí Tâm đơn cử việc giao cho tổ chức công đoàn cấp trên khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nhưng quy định từng lao động phải ủy quyền thì công đoàn mới có quyền khởi kiện.
Ông nói: "Như vụ kiện nợ bảo hiểm xã hội, Liên đoàn Lao động TP Thủ Đức kiện 1 doanh nghiệp hơn 1 năm mà không được vì quy định ủy quyền cho công đoàn cấp trên. Có những doanh nghiệp hàng ngàn lao động thì làm sao công chứng ủy quyền?".
Ngoài ra, ông Phạm Chí Tâm đặt ra vấn đề chế tài trong pháp luật lao động hiện không đủ sức răn đe, doanh nghiệp không sợ nên sai phạm nhiều.
"Cơ cấu của quy phạm pháp luật thường bao gồm 3 bộ phận: Giả định, quy định và chế tài. Nhưng pháp luật lao động thường chỉ có giả định, quy định mà không có chế tài", ông Phạm Chí Tâm giải thích.
Do đó, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM đề nghị nghiên cứu bổ sung chế tài áp dụng với các hành vi vi phạm pháp luật lao động ở mức cao, thực hiện sao cho hiệu quả và nghiêm minh. Khi chế tài đủ sức răn đe, hành vi sai phạm sẽ được hạn chế.