Bị nợ lương 9 tháng, công nhân phải đi quét chợ, rửa bát mưu sinh
(Dân trí) - Hơn 50 lao động của nhà máy dệt kim Haprosimex (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn chưa được giải quyết dứt điểm 9 tháng nợ lương từ... 7 năm trước.
Chật vật kiếm sống
Dưới cái nắng nóng lịch sử giữa hè, bà Đặng Thị Dung (61 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) cặm cụi dọn dẹp, rửa bát thuê trong khu chợ Ninh Hiệp.
Những chồng tô lớn chất đầy, bà Dung rửa đến hoa cả mắt. Vắt kiệt sức, bà kiếm được 120.000 đồng/ngày.
Con trai qua đời, cả nhà trông chờ vào khoản thu nhập eo hẹp của bà và người con dâu làm giáo viên mầm non. Khoản tiền cả 2 lao động trong gia đình kiếm được chưa đủ chi trả sinh hoạt của 4 người.
Vậy là bà Dung nhận thêm công việc quét chợ vào buổi tối.
Bà Dung là một trong hơn 50 công nhân của nhà máy dệt kim Haprosimex thuộc Công ty TNHH MTV Haprosimex (khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) đang bị nợ lương 9 tháng với tổng số tiền gần 30 triệu đồng.
Cuối năm 2016, Công ty TNHH MTV Haprosimex thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi thành Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex. Bấy giờ, giám đốc và kế toán của công ty bị bắt. Đơn vị này nợ ngân hàng, không thể tiến hành cổ phần hóa, buộc phải chuyển quyền quản lý tài sản sang Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC).
Tháng 10/2016, người lao động của công ty nhận được thông báo tạm nghỉ việc. Quá trình chuyển đổi phức tạp, đến nay đã 7 năm trôi qua, quyền lợi của những người lao động vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc phân xưởng may nhà máy dệt kim Haprosimex cho biết, vừa qua, đơn vị đã giải quyết nợ bảo hiểm xã hội từ tháng 8/2011 đến tháng 7/2017 của toàn bộ 488 công nhân của nhà máy. Song, công ty vẫn còn nợ lương của người lao động 9 tháng, từ tháng 11/2016 đến tháng 7/2017.
"Khoảng thời gian 9 tháng trên, chúng tôi đều được nghỉ chờ việc. Mọi người sợ không có ai bàn giao nên thời gian đó công nhân vẫn đến công ty bình thường dù chỉ… ngồi không.
Người lao động đi làm có bảng lương, mức lương đóng bảo hiểm xã hội. Chúng tôi đã được chốt sổ bảo hiểm đến tháng 7/2017. Thời gian chờ việc theo quy định pháp luật vẫn được hưởng lương không thấp hơn lương tối thiểu", bà Huyền nhấn mạnh.
Trên thực tế, từ sau khi cổ phần hóa và chuyển nhượng đến nay, danh sách lao động được bàn giao cho Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosmex từ 8/2017 nhưng chỉ có 13 người. 7 năm qua, hơn 50 lao động còn lại chưa được chấm dứt hợp đồng lao động và bị nợ lương trong thời gian chờ việc nêu trên.
Do chưa được chấm dứt hợp đồng lao động nên hầu hết công nhân không xin được việc làm ổn định, dù có tay nghề. Đa số lao động phải đi làm thuê, công việc tạm bợ tại xưởng gia công hoặc tìm đến những việc làm thời vụ như rửa bát thuê, chạy xe ôm… để có tiền trang trải cuộc sống.
Cảnh sống không khác mấy bà Dung, anh Nguyễn Hữu Hậu (35 tuổi, ở Thanh Ba, Phú Thọ) quần quật chạy xe ôm kiếm tiền mưu sinh. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập anh Hậu phải dùng trang trải chi phí thuê trọ ở Gia Lâm, nuôi 3 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Năm 2008, vợ chồng anh Hậu rời quê hương, khăn gói xuống làm công nhân Nhà máy dệt kim Haprosimex. Thu nhập của hai vợ chồng hơn 10 triệu/tháng, tạm đủ trang trải cuộc sống nơi đất khách quê người.
Khi công ty làm ăn thua lỗ, phải "sang tên đổi chủ", những công nhân như bà Dung, anh Hậu phải nghỉ chờ việc. Do chưa chấm dứt hợp đồng lao động, nam công nhân không dám xin việc ở đâu, phải chạy xe ôm, chở hàng cho những cửa hàng ở chợ Ninh Hiệp.
Thu nhập bấp bênh, đối với anh Hậu 9 tháng lương bị công ty nợ tương đương gần 40 triệu đồng cũng là một tài sản lớn.
Mừng hụt nhận lương
Tại cuộc họp giữa đại diện Công ty Cổ phần tập đoàn Haprosimex và người lao động vừa qua, đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc chấm dứt hợp đồng với những lao động trên không thuộc trách nhiệm của hội đồng quản trị mới.
Hội đồng quản trị mới nhận bàn giao lại từ phía công ty mua bán nợ DATC, trong đó, đơn vị này không bàn giao về lao động cho chủ sở hữu mới.
Về phần nợ lương của người lao động, đại diện công ty nêu rõ sẽ thanh toán hết vào quý 4 năm 2023. Tuy nhiên, theo bà Huyền, ngày 4/7 vừa qua, Công ty Haprosimex gọi người lao động đến nhận tiền nợ lương 9 tháng. Hơn 50 công nhân mừng vui vì được tháo gỡ cho những vướng mắc suốt 7 năm.
"Vậy mà khi đến, chúng tôi bị phía công ty ép nhận 50% số lương nợ theo số liệu lương nội bộ (tương đương mức lương tối thiểu vùng), ký xác nhận vào biên bản làm việc do công ty thảo sẵn cam kết không yêu cầu Haprosimex thanh toán bất kỳ khoản tiền nào khác, không thực hiện bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào về vấn đề tiền lương và chế độ lao động giữa lao động và công ty Haprosimex. Nếu ai không đồng ý nhận 50% số nợ thì... về", bà Huyền kể.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Trọng Phúc, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Haprosimex cho hay, năm 2016, nhà máy đã "chết", dừng toàn bộ hoạt động. Sau đó, đơn vị này nợ ngân hàng không cổ phần hóa được, buộc chuyển sang công ty mua bán nợ. Tất cả công nhân đã nghỉ việc năm 2017.
Sau khi cơ cấu nợ ngân hàng xong, đủ điều kiện bán ra thị trường chứng khoán, một nhóm cổ đông đã mua doanh nghiệp vào năm 2022.
"Khi nhà máy đóng cửa, giám đốc, kế toán trưởng bị khởi tố, không ai bàn giao số liệu từ nhà máy, không có xác nhận. Sau khi cổ phần hóa, cũng không ai xác nhận chuyện nợ lương và bảo hiểm xã hội. Kiểm toán ghi nợ "một cục", không thể hiện chi tiết nợ ai, không có giấy xác nhận, không có cơ sở nào để trả", ông Phúc nói.
Theo vị này, nợ lương của doanh nghiệp từ quá khứ, khi còn là công ty nhà nước. Đây là vấn đề tồn lại từ lâu, hiện không có số liệu chốt. Doanh nghiệp đang giải quyết hậu quả của 10 năm về trước.
Ông Phúc nói: "Hiện nay, chủ doanh nghiệp và người lao động đàm phán với nhau về vấn đề này, việc mà luật không cấm".
Vị đại diện doanh nghiệp cũng khẳng định đã làm việc với người lao động về vấn đề nợ lương. Nếu người lao động không nhận khoản thanh toán 50% số lương còn nợ thì doanh nghiệp tiếp tục ghi nợ đó. Trước đó, công ty mới đã trả 20 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội.
"Bao giờ công ty có sản xuất, có chi phí thì chúng tôi trả. Chúng tôi không đòi xóa nợ", ông Phúc quả quyết.
Trả 50% tiền nợ lương là vi phạm pháp luật
Về sự việc trên, Luật sư Đặng Thị Tâm, Công ty luật BHL cho biết, Khoản 1 Điều 94 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định: "Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp".
Đối chiếu với điều luật, việc Công ty Haprosimex chỉ trả 50% tiền nợ lương 9 tháng của hơn 50 người lao động là trái với quy định pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Cũng theo luật sư Đặng Thị Tâm, khi tiếp nhận doanh nghiệp, chủ mới của Công ty Haprosimex đương nhiên kế thừa đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ nên không thể viện lý do là không được tiếp nhận nhân sự, hợp đồng lao động bàn giao từ chủ cũ.