Công bố khảo sát về điều kiện sống của lao động nữ di cư

Kết quả khảo sát tại các DN ở Bắc Ninh, Đồng Nai và TPHCM cho thấy thu nhập bình quân của lao động nữ trong các DN FDI ở mức trên dưới 5.000.000 đồng/người/tháng. Nguồn thu nhập chủ yếu từ tiền lương, làm thêm giờ, phụ cấp, tiền thưởng…

Ngày 3/6, tại Đồng Nai, Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) phối hợp với Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu tổ chức Hội thảo công bố báo cáo khảo sát về thu nhập và điều kiện sống của lao động nữ di cư trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Khảo sát được thực hiện cuối năm 2014 tại Bắc Ninh, Đồng Nai và TPHCM. Ở mỗi địa bàn, nhóm nghiên cứu thực hiện điều tra 13 DN (trong đó 10 DN FDI) có hàng xuất khẩu đi châu Âu, tập trung vào những ngành nhiều lao động nữ như may mặc, da giày, dệt, thủy sản, chế biến thực phẩm.

Theo đánh giá, hiện nay, lao động trong các DN FDI hoạt động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hầu hết là lao động di cư đến từ các địa phương khác, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ khá lớn, chủ yếu làm việc trong các ngành như may mặc, da giầy, điện tử, chế biến thực phẩm…

Tại nơi cư trú mới, với đồng lương nhận được, người nhập cư gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống do các chi phí về nhà ở, giáo dục, y tế, chi phí sinh hoạt.

Nghiên cứu khảo sát tập trung vào một số nội dung chủ yếu: Thu nhập của lao động nữ di cư, cách sử dụng thu nhập, điều kiện sống hiện tại, dự định cho tương lai, các vấn đề khác như gia đình, con cái...

Kết quả khảo sát cho thấy thu nhập bình quân của lao động nữ trong các DN FDI ở mức trên dưới 5 triệu đồng/người/tháng. Nguồn thu nhập chủ yếu từ tiền lương, làm thêm giờ, phụ cấp, tiền thưởng… Mức thu nhập của lao động nữ tại các DN này thấp hơn mức thu nhập của lao động nữ tại các DN ngoài FDI và thấp hơn so với nam giới.

Mức độ trang bị phương tiện bảo hộ lao động của lao động nữ di cư cũng luôn thấp hơn so với lao động nữ địa phương (84,8% so với 95,7%).

Vấn đề tiếp cận nhà ở và các vấn đề về giáo dục con cái, chăm sóc sức khoẻ y tế của lao động nữ nhập cư còn nhiều hạn chế. Tình trạng gặp khó khăn trong việc tiếp cận với trường học, nhà trẻ của lao động nữ di cư trong các DN FDI là 69,1%; ở nhóm lao động nữ di cư ngoài FDI là 3,7% và lao động nữ địa phương là 1,1%. Nguyên nhân của việc lao động nữ di cư khó tiếp cận với giáo dục là do khó khăn về kinh tế, khó khăn về thủ tục hành chính, xa nơi cư trú và làm việc.
Theo Chinhphu.vn

Tiến sĩ Bùi Sỹ Tuấn, Trưởng Phòng Nghiên cứu chính sách an sinh xã hội, Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng: Bộ LĐTB&XH cần nghiên cứu cơ chế phát triển các trung tâm, trạm đón lao động di cư, thu hút, tuyển dụng lao động nhằm hỗ trợ người lao động từ các vùng đến thành phố tìm việc làm.

Đồng thời cần quan tâm đổi mới dạy nghề, đào tạo nghề chất lượng hơn để đảm bảo nguồn cung lao động tốt hơn cho DN FDI; nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật về lao động như chính sách làm thêm giờ, lao động đặc thù, lao động nữ, lao động di cư, bởi đây là nhóm lao động dễ tổn thương, cần được hỗ trợ.


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm