Năng suất lao động toàn cầu giảm: Yếu hay lười?
Sản lượng trên mỗi công nhân năm ngoái đã tăng với tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ qua và sự sụt giảm rõ rệt ở hầu hết các khu vực.

Bart van Ark, Kinh tế trưởng của Conference Board, cho biết, tổng năng suất giảm 0,2% trong năm 2014. "Đây là một hiện tượng toàn cầu nên phải rất nghiêm túc với vấn đề này!", ông cảnh báo. Các nhà kinh tế xác định vấn đề năng suất thấp là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực cải thiện mức sống, ở cả các nước giàu.
Cũng trong tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đặt năng suất là một ưu tiên kinh tế quan trọng nhất của chính phủ mới. "Thịnh vượng trong tương lai của chúng tôi phụ thuộc vào cải thiện năng suất lao động", ông nói.
Tại Mỹ, năng suất lao động kém đi và giá thành lao động tăng lên có thể báo hiệu các vấn đề lạm phát của nền kinh tế. Goug Handle, một nhà kinh tế Mỹ nói rằng, năm 2014 là năm thứ tư liên tiếp năng suất dưới mức trung bình trong thập niên qua là 1,5%. Trong báo cáo ngày 22/5, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen nói rằng, năng suất tăng chậm lại tại Mỹ là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng lương không nhanh trong những năm gần đây.

Năng suất lao động của Nhật Bản tụt 32% đứng sau Đức và 29% đứng sau Mỹ. Khoảng cách này sẽ tăng lên khoảng 37% trong 10 năm tới và năng suất lao động sẽ tiếp tục trì trệ. Nhật Bản có thể đạt mục tiêu tăng năng suất lao động từ 50 - 70% bằng cách áp dụng các biện pháp được sử dụng trên toàn thế giới.
Trong khi đó, hầu hết sự cải thiện năng suất duy trì được có thể bằng cách triển khai các thiết bị, công nghệ mới. Theo Georges Desvaux - đối tác quản lý của văn phòng Nhật Bản McKinsey & Company - Nhật Bản có thể tập trung vào các chuyên môn mà họ làm tốt như chế tạo robot hay in ấn 3D để tăng lợi nhuận một cách đáng kể.
Tuy nhiên, ông Van Ark nói rằng các thị trường mới nổi đang đạt đến giới hạn của sự tăng trưởng dễ dàng nhờ bắt kịp các thành quả công nghệ sản xuất, trong khi đó nhiều thị trường phát triển lại tập trung vào ngành dịch vụ và có xu hướng giảm hiệu quả sản xuất.
Bên cạnh đó, những công nghệ mới hiện nay thường tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng, qua đó khiến mọi người cảm thấy thoải mái hơn khi làm việc và có thể thực hiện nhiều công việc cùng lúc hơn so với trước đây. Mặc dù vậy, những cải tiến này không phải lúc nào cũng gia tăng sản lượng hay hiệu quả lao động của nhân viên.
Theo Doanh nhân Sài Gòn