Giữ chân nhân viên: “Mỗi cây mỗi hoa”
Làm thế nào để giữ chân nhân viên luôn là một đề tài gây nhức đầu đối với các ông chủ bà chủ nhỏ khởi nghiệp. Thậm chí đối với các công ty, tập đoàn lớn mạnh thì vấn đề này vẫn là một trong những thử thách gần như thường trực.
Khoa học quản trị đã đúc kết biết bao nhiêu cách thức, chiêu thức mà ngày nay ai cũng có thể học miễn phí thông qua một vài cú nhấp chuột trên internet. Nhưng đó là những trường hợp phổ biến thông thường trên thế giới. Ở Việt Nam thì sao?
Tôi thường nhận được các câu hỏi hay lời chia sẻ mang tính “cầu cứu” từ các bạn trẻ khởi nghiệp. Như một trường hợp gần đây, đại khái, “chú ơi quán con nhỏ xíu nên trả lương cũng khá khiêm tốn theo dạng partime, mà cũng chẳng có con đường thăng tiến nào rõ ràng để hấp dẫn nhân viên, nên mọi người cứ 1-2 tháng ra vô xoành xoạch, tốc độ xoay vòng đến chóng mặt. Nếu là chú thì chú giải quyết như thế nào?”.
Thật khó để có thể cho lời khuyên, vì mỗi trường hợp mỗi khác, nhưng không vì thế mà người viết bài này không thể chia sẻ một ít kinh nghiệm và suy nghĩ của mình.
Trước hết là khâu tuyển dụng. Tuyển dụng sai đối tượng thì công ty lớn nhỏ gì cũng không giữ chân được nhân viên lâu dài. Cũng như trong đánh golf, quyết định chọn đúng cây gậy nào (trong số 13 cây) cho từng cú đánh là cực kỳ quan trọng. Chọn sai gậy thì nắm chắc phần thua cho dù cú vung gậy có tốt cỡ nào.
Cái quán ăn nhỏ xíu cũng có mẫu người phù hợp với nó, thậm chí thích nó còn hơn là các nhà hàng hoành tráng có tham vọng xây dựng thương hiệu quốc gia hay quốc tế. Chí Phèo cũng có Thị Nở mê tít. Tuyển chọn đúng người ngay từ đầu thì tự nhiên tỷ lệ nhân viên vào rồi ra sẽ giảm hẳn.
Tính ra, cái quán nhỏ cũng có những thuận lợi nhất định mà những quán lớn không có. Ví như tính linh động, uyển chuyển trong sắp xếp ca làm việc. Nhờ nhỏ mà chủ quán có thể sâu sát với nhân viên hơn, hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhân viên hơn, để từ đó có thể uyển chuyển sắp xếp giờ giấc làm việc thật linh động, đáp ứng nhu cầu riêng của từng nhân viên.
Ai bận đi học sáng thì xếp vào ca chiều, rồi tự nhiên buổi chiều kẹt đi thi thì chuyển ca sáng, thậm chí cần ở nhà cả tuần để luyện thi cũng duyệt luôn. Làm được như vậy thì khách sạn năm sao cũng không thể cạnh tranh bằng. Sắp xếp ca kíp chỉ là một ví dụ nhỏ, còn một ngàn lẻ một thứ khác mà chỉ chủ một cái quán nhỏ xíu mới có thể nghĩ ra và làm được.
Môi trường làm việc cũng là một yếu tố quan trọng. Bất kể công ty lớn hay nhỏ, ai đi làm cũng muốn được vui vẻ, sảng khoái. Đối với công ty lớn, cho dù đôi khi môi trường làm việc có cạnh tranh căng thẳng nhưng bù lại lương cao, nên chấp nhận đánh đổi. Còn cơ ngơi đã nhỏ xíu mà làm việc còn không vui nữa thì khỏi nói, 1-2 tháng là đã thấy lâu. Nói như vậy để thấy rằng không phải lúc nào chuyện không giữ được người của cái quán nhỏ xíu cũng liên quan đến đồng lương hay quy mô.
Với người Việt mình, khía cạnh tình cảm lúc nào cũng đóng một vai trò rất quan trọng. Người viết từng biết một quán ăn hoạt động đã gần 30 năm mà nhân viên kỳ cựu còn lại rất đông. Không ít người đã gắn bó với chủ quán ngần ấy thời gian. Chỉ có sợi dây tình cảm mới có thể giữ chân họ lâu như vậy.
Bà chủ quán có cách điều hành mà không phải nhà quản trị nào cũng đồng ý, nhưng rõ ràng là nó có hiệu quả trong việc giữ chân nhân viên, làm cho họ gắn bó lâu dài. Có thể nói đó là cả một nghệ thuật về đối nhân xử thế.
Một ví dụ nhỏ khác trong cách la rầy nhân viên. Một lời phê bình, chê trách đi kèm với một - hai lời khen thì sẽ có hiệu quả hơn. Kiểu như bánh mì sandwich kẹp thịt vậy, lời chê chỉ nên là lớp nhân thịt nằm ở giữa. Đúng là có những lúc chỉ muốn đập bàn, la lối òm sòm cho đã giận, nhưng một khi đã bước lên sân khấu rồi thì phải làm tròn bổn phận của người diễn viên. Làm chủ một quán ăn, suy cho cùng cũng là đang diễn trên sân khấu cho nhân viên và khách hàng xem thôi.
Tóm lại, một tin tốt cho các ông chủ bà chủ của các quán ăn nhỏ xíu là không nhất thiết phải có ngân sách lớn, tầm nhìn xa, cơ ngơi hoành tráng mới có thể giữ chân nhân viên bền lâu được. Có nhiều tiền thì chắc sẽ thuận lợi hơn, nhưng chắc chắn không là tất cả.
Người viết không cổ súy cho tư tưởng “cái gì cũng dùng tiền mua được, nếu không được thì dùng nhiều tiền hơn”, vì nó phủ nhận sự hiện hữu của sợi dây tình cảm trong nghệ thuật quản trị con người, và nó làm thui chột sự cố gắng và sáng tạo của các nhà quản trị, kinh doanh.
Theo Lý Quí Trung/Doanh nhân Sài gòn