1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Giấu chồng mang 10 triệu đồng đi khởi nghiệp, người phụ nữ tạo nên kỳ tích

Hạnh Linh

(Dân trí) - Từ nguồn vốn vay 10 triệu đồng, bà Nguyễn Thị Hường, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa trở thành bà chủ hợp tác xã, đưa các sản phẩm đan lát thủ công ra thế giới, thu hàng chục tỷ đồng/năm.

Cú "quay xe" với 10 triệu đồng

Bà Nguyễn Thị Hường, ở thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống là Giám đốc một hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp. Cơ sở sản xuất của người phụ nữ 62 tuổi này đang tạo việc làm cho hơn 800 lao động, mức thu nhập bình quân 2-6 triệu đồng/người/tháng.

Bà Hường cho biết, năm 2000, bà cùng một số chị em phụ nữ trong xã đi học nghề đan lát ở xã Thăng Thọ (huyện Nông Cống). Sau thời gian học, nhóm của bà trở thành một tổ đan, chuyên đan giỏ giữ ấm tích nước bằng cói. Cùng thời gian này, bà Hường đảm nhiệm trọng trách thu gom sản phẩm của tổ, giao đến cơ sở sản xuất.

Giấu chồng mang 10 triệu đồng đi khởi nghiệp, người phụ nữ tạo nên kỳ tích - 1

Bà Nguyễn Thị Hường giấu chồng khởi nghiệp với 10 triệu đồng vay ngân hàng (Ảnh: Hạnh Linh).

"Khi tôi làm đầu mối bao tiêu, nhiều lao động là phụ nữ đến học nghề, xin nguyên liệu về làm. Điều này, khiến tôi nảy ra ý tưởng mở cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công có nguồn gốc từ tự nhiên. Tuy nhiên, việc mở cơ sở bị chững lại bởi trong tay không có vốn", bà Hường nói.

Năm 2002, vợ chồng bà Hường làm đơn vay vốn ngân hàng để chăn nuôi. Khi được ngân hàng giải ngân 10 triệu đồng, bà Hường lấy về nhưng không vội đưa cho chồng mà cùng con trai thuê xe ra huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (cũ) tìm bạn hàng.

Theo bà Hường, khi làm đầu mối bao tiêu, bà biết được huyện Chương Mỹ là cái nôi của nghề đan lát, các ông "trùm" đồ thủ công đều ở đây. Dù chỉ một manh mối nhỏ, bà cũng quyết tâm khăn gói đi tìm.

"Tôi mang theo sản phẩm đan lát của tổ rồi nói với chồng là đi Hà Tây có việc. 5 ngày ròng, 2 mẹ con đi khắp huyện Chương Mỹ để tìm kiếm bạn hàng. Lúc tiêu gần hết số tiền 10 triệu đồng, may mắn đã mỉm cười khi 2 chủ hàng đồng ý nhập hàng", bà chủ HTX nhớ lại.

Giấu chồng mang 10 triệu đồng đi khởi nghiệp, người phụ nữ tạo nên kỳ tích - 2

Các sản phẩm của HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc xuất đi nước ngoài (Ảnh: Hạnh Linh).

Có nơi nhận hàng, bà Hường mua nguyên vật liệu, huy động nhân lực trong tổ đan để đan túi xách, cơi trầu, bộ ba bát.

"Khi biết tôi dùng tiền mua lợn đi buôn hàng, chồng tôi đã nhiệt tình ủng hộ. Sau đó, chúng tôi có đơn hàng đầu tiên xuất đi", bà Hường nói.  

Doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm

Từ 3 sản phẩm ban đầu là túi xách, cơi trầu, bộ ba bát đến nay, cơ sở của bà Hường đã sản xuất hơn 10 sản phẩm. Các sản phẩm được làm từ các nguyên liệu như cói, cây song, mây, nhựa...

Đến năm 2019, bà Hường thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc, mỗi năm  xuất hàng triệu sản phẩm đến các nước Nga, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc,… doanh thu hàng chục tỷ đồng.

"Năm 2023, HTX thu gần 40 tỷ đồng, phá kỷ lục về thu nhập của cơ sở và người lao động", bà Hường hồ hởi nói.

Nữ giám đốc HTX cho biết, việc đan lát không quá khó nhưng yêu cầu người làm phải kiên trì, tỉ mẩn. Trung bình, mỗi người chỉ cần học nghề 5-7 ngày là có thể đan được những sản phẩm đơn giản.

Công việc này phù hợp với người lao động ở khu vực nông thôn đặc biệt là phụ nữ, người có độ tuổi 45 trở lên, không thể đi làm công ty, người khuyết tật. Để thuận lợi cho người lao động, HTX thực hiện giao khoán sản phẩm theo các đầu nhóm, lao động sẽ nhận nguyên liệu về nhà gia công và nhập lại cho các đầu mối thu mua để đưa về HTX tiêu thụ.

"Người yếu, mắt kém, có thể làm được 70.000 đồng/ngày còn người trẻ, khỏe, nhanh tay, nhanh mắt, có thời gian dành cho nghề làm được 200.000 đồng/ngày", bà Hường chia sẻ.

Giấu chồng mang 10 triệu đồng đi khởi nghiệp, người phụ nữ tạo nên kỳ tích - 3

Hơn 800 lao động có thu nhập từ nghề đan (Ảnh: Hạnh Linh).

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng, đồ trang trí, cơ sở của bà Hường không chỉ nhận gia công hàng theo mẫu của đối tác, mà còn sáng tạo thêm các mẫu mã mới theo thị hiếu thị trường, tham gia hội chợ để quảng bá các mặt hàng. Đồng thời, tiếp tục mở rộng thêm các lớp đào tạo nghề tại những địa phương có nhu cầu để tăng lực lượng lao động.

"Tôi đang nghiên cứu mở rộng cơ sở sản xuất, làm thêm nhiều mặt hàng mới, dự tính số lao động của HTX sẽ tăng lên 1.000 người", nữ giám đốc cho hay.

Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, ông Nguyễn Văn Xuân cho biết, HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc là cơ sở sản xuất đồ tiểu thủ công nghiệp lớn nhất của xã, hoạt động rất sôi nổi.

Theo ông Xuân, HTX góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động ở các huyện Nông Cống, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Như Thanh, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa), với mức thu nhập ổn định 2-6 triệu đồng/người/tháng.

"Từ một "hoa tiêu" khéo tay, hay làm, bà Hường đã mạnh dạn khởi nghiệp và cùng các lao động tạo nên những sản phẩm thủ công bắt mắt, xuất đi nhiều nước trên thế giới. Đặc biệt, sản phẩm túi xách của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 (chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2023. Địa phương đang định hướng cho chủ cơ sở làm hồ sơ, nâng sao cho sản phẩm", ông Xuân nói.