Vợ chồng U70 vào thung lũng lập nghiệp, nhẹ nhàng thu vài tỷ đồng mỗi năm

Thanh Tùng

(Dân trí) - Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng vợ chồng bà Nguyễn Thị Sanh ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa vẫn thu vài tỷ đồng mỗi năm nhờ nghề trồng cây ăn quả.

Khu trang trại rộng hơn 17ha của vợ chồng bà Nguyễn Thị Sanh (67 tuổi), nằm lọt giữa những quả đồi rộng lớn ở Thung Cớn, khu phố 12, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Bà Sanh cho biết, gia đình bà bắt đầu khai hoang tại Thung Cớn vào năm 1981. Thời điểm đó, nơi đây hoang vu, ít người sinh sống vì đường đi lại khó khăn. 

Vợ chồng U70 vào thung lũng lập nghiệp, nhẹ nhàng thu vài tỷ đồng mỗi năm - 1

Bà Nguyễn Thị Sanh, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

"Ngày ấy ít người dám vào khu Thung Cớn này canh tác vì quá hoang vu, hẻo lánh. Lúc đi khai hoang, trang trại của gia đình tôi chỉ là khu đất đồi rậm rạp, cỏ mọc um tùm, phải mất một thời gian dài vợ chồng tôi mới cải tạo thành khu trồng trọt", bà Sanh nói.

Sau khi cải tạo đất, vợ chồng bà Sanh trồng gấc, sắn dây và mía. Nhưng vì năng suất kém nên suốt nhiều năm, gia đình bà không dư giả được là bao. Đến năm 2015, thấy ở tỉnh Bắc Giang và Hưng Yên có mô hình trồng cam canh và bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà Sanh quyết định tham quan và học tập mô hình mới mẻ này.  

Sau khi học tập kinh nghiệm, vợ chồng bà quyết định vay vốn ngân hàng hơn 1,5 tỷ đồng rồi cải tạo lại khu đất đồi để trồng cam canh, bưởi da xanh. Lúc bấy giờ, thấy vợ chồng bà Sanh rót tiền tỷ vào khu đồi hoang vu, ai cũng nghĩ ông bà "khùng", sớm nhận thất bại.

Vợ chồng U70 vào thung lũng lập nghiệp, nhẹ nhàng thu vài tỷ đồng mỗi năm - 2

Bà Thanh là người duy nhất ở Thung Cớn, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn thành công với mô hình cam canh (Ảnh: Thanh Tùng).

Thế nhưng, chỉ 3 năm sau, do hợp thổ nhưỡng, phương pháp trồng trọt phù hợp nên vườn cây của gia đình bà Sanh ra quả đều, đem lại thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau thành công bước đầu, bà Sanh quyết định "chơi lớn", mở rộng mô hình và đưa cam canh, bưởi da xanh làm sản phẩm chủ lực của trang trại.

Đến nay, gia đình bà sở hữu hơn 17ha, với hơn 1.000 gốc cam canh, 1.000 gốc nhãn, 300 cây bưởi da xanh, bưởi diễn 300 cây.

Ngoài ra, bà còn trồng thêm 1ha cam Vân Du (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) và 8ha dứa. Mỗi năm, vườn cây ăn quả này đem lại doanh thu từ 2 đến 3 tỷ đồng, có năm trúng quả, doanh thu 5-6 tỷ đồng.

Nói về kinh nghiệm thành công, bà Sanh cho hay cam sau khi trồng khoảng 3 năm sẽ cho ra quả. Đáng chú ý, gia đình bà Sanh trồng cây theo hướng hữu cơ, chủ yếu dùng phân chuồng hoai mục. 

Bà Sanh còn đầu tư thêm hệ thống tưới nước bán tự động nhằm giảm bớt công chăm sóc, đem lại hiệu quả cao hơn trong quá trình trồng trọt.

"Tôi dùng phân hữu cơ để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của đất, con người và bảo vệ môi trường. Thị trường hiện nay tôi xuất bán chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và trên địa bàn Thanh Hóa", bà Sanh tâm sự.

Vợ chồng U70 vào thung lũng lập nghiệp, nhẹ nhàng thu vài tỷ đồng mỗi năm - 3

Mặc dù đã gần 70 tuổi nhưng vợ chồng bà Sanh vẫn thu vài tỷ đồng mỗi năm từ trồng cây (Ảnh: Thanh Tùng).

Ngoài làm kinh tế giỏi, trang trại của gia đình bà Sanh còn tạo việc làm cho 8 lao động thường xuyên, với mức lương gần 10 triệu đồng/người/tháng.

Bà Tống Thị Hồng Liên, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn cho biết toàn Thung Cớn có hơn 50 hộ dân làm nghề trồng cây ăn quả.

Trong đó, mô hình của gia đình bà Sanh là mô hình tiêu biểu của thị xã Bỉm Sơn. Đặc biệt, bà Sanh là người duy nhất trong số 50 hộ dân tại Thung Cớn thành công với mô hình trồng cam canh, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

"Năm 2023, mô hình của gia đình bà Sanh xuất sắc đạt giải Nhì trong cuộc thi vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu do Hội làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa tổ chức", bà Liên nói.