Giảm 0,5 % mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: Sao không giảm cho người lao động?

(Dân trí) - Liên quan tới việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động từ 1 % xuống còn 0,5%, nhiều ý kiến băn khoăn vì sao không giảm thêm cho người lao động. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hải Vân - Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) đã có cuộc trả lời báo giới.

Giảm 0,5 % mức đóng bảo hiểm thất nghiệp: Sao không giảm cho người lao động? - 1

Thưa bà, những căn cứ gì để Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đề xuất trình Chính phủ về việc giảm mức 0,5 % đóng của người sử dụng lao động vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp?

- Những năm vừa qua, khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Gia hạn thời gian nộp thuế GTGT, giảm tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp tiền thuế đất đối với một số doanh nghiệp, gia hạn nộp đối với thuế thu nhập doanh nghiệp...

Trên tinh thần của Nghị quyết số 35/NQ-CP, trong khuôn khổ chức năng nhiệm vụ của Bộ LĐ-TB&XH, sau khi nghiên cứu tình hình thực hiện và kết dư của các Quỹ như: Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...Chúng tôi nhận thấy, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có tính chất ngắn hạn, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm.

“Trong khi đó, Quỹ BHXH bắt buộc là quỹ có tính dài hạn, việc giảm mức đóng BHXH bắt buộc sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi về BHXH như chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất... sau này của người lao động” - bà Nguyễn Thị Hải Vân nói.

Nếu giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng từ 1% xuống 0,5% thì tổng thu BHTN mỗi năm giảm khoảng 25%.

Tính trên tổng thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2016 là 11.728 tỷ đồng. Như vậy, mỗi năm doanh nghiệp đã được hỗ trợ khoảng 3.000 tỷ đồng từ việc giảm mức đóng BHTN.

Hiệu quả của việc này sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu ra, giảm áp lực lên giá thành sản phẩm, nâng cao cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Do đó, tại Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 7/4/2017 về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Chính phủ đã thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm từ 1% xuống 0,5%.

Thời gian điều chỉnh từ ngày Nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2019.

Thưa bà, thông tin giảm mức đóng BHTN là một tín hiệu tốt nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tại sao chỉ giảm mức đóng BHTN cho người sử dụng mà không giảm cho người lao động?

- Với mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh, tạo điều kiện để phát triển doanh nghiệp trên tinh thần Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP và Nghị quyết số 97/NQ-CP nên cần thiết giảm mức đóng vào Quỹ BHTN đối với người sử dụng lao động.

Việc giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động cũng là hỗ trợ giải quyết việc làm, tạo điều kiện để bảo vệ vị trí việc làm và phòng tránh thất nghiệp cho người lao động tại doanh nghiệp.

“Quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động về bảo hiểm thất nghiệp vẫn được đảm bảo đầy đủ nếu giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động” - bà Nguyễn Thị Hải Vân nói.

Tại một số nước có quy định trách nhiệm đóng của người lao động và người sử dụng lao động là như nhau, mức đóng cụ thể được quy định hằng năm dựa trên dự toán chi năm đó.

Tuy nhiên, ở nước ta, theo quy định tại Điều 57 Luật việc làm, người lao động đóng 1%, người sử dụng đóng 1%, Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% và do ngân sách trung ương đảm bảo.

Như vậy, việc đóng BHTN của người lao động và người sử dụng lao động được quy định theo mức đóng cụ thể mà không quy định về nguyên tắc đóng vào Quỹ BHTN giữa các bên.

Hơn nữa, Quỹ BHTN là quỹ có tính ngắn hạn sẽ tăng giảm theo từng thời kỳ. Do đó, việc giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Sau đó tiếp tục đánh giá và nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức đóng đối với người lao động nếu thấy cần thiết.

Vậy, Quỹ BHTN liệu có nguy cơ không đủ chi khi giảm mức đóng BHTN đối với người sử dụng lao động?

- Trong quá trình xây dựng dự thảo, cơ quan soạn thảo đã tiến hành đánh giá tình hình thi hành pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, trong đó đánh giá về thu - chi bảo hiểm thất nghiệp, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, dự báo Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; đánh giá tác động về việc điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm.

Bộ LĐ-TB&XH đã đánh giá các tác động tích cực, tiêu cực của việc giảm mức đóng vào Quỹ BHTN đối với người sử dụng lao động và dự báo tình hình thu - chi BHTN, độ an toàn Quỹ BHTN.

Đây là quỹ ngắn hạn, kết dư Quỹ BHTN ước tính đến cuối năm 2016 là 58.668 tỷ đồng (theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Dự báo đến năm 2020, khi triển khai việc điều chỉnh mức đóng, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn khả năng chi trả và đầy đủ quyền lợi của người lao động, người sử dụng lao động trong việc hưởng các chế độ BHTN.

Xin cảm ơn bà

Hoàng Mạnh thực hiện

Tin liên quan:

Từ 1/7: Tăng 7,3 % mức phí tham gia BHYT hộ gia đình

Theo ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội VN), việc điều chỉnh lương cơ sở từ 1/1/2017 lên 1.300.000 đồng sẽ làm tăng thêm khoảng 7,3 % mức phí tham gia BHYT hộ gia đình.

Trước đó, Nghị quyết số 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2017. Được biết, mức lương cơ sở hiện nay là 1.210.000 đồng/tháng. Quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 2 của Nghị định 105/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT đã nêu rõ: Người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ đóng phí BHYT theo tháng ở mức 4,5 % lương cơ sở. Từ người thứ 2 tới thứ 4, mức phí sẽ lần lượt bằng 70%, 60 % và 50 % mức tham gia của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi, mức tham gia chỉ còn 40 % mức tham gia của người thứ 1. Như vậy, với quy định điều chỉnh mức lương cơ sở mới từ 1/7/2017, mức tham gia BHYT hộ gia đình sẽ tăng thêm trung bình 7,4 %, với công thức mua không đổi như trên.

H.M

Có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người trên 60 tuổi?

Bạn Quỳnh Hoa (Phú Yên): Công ty của tôi có một số lao động đã ngoài 60 tuổi nhưng đóng bảo hiểm xã hội chưa đến 10 năm. Xin cho hỏi, nếu những lao động này vẫn tiếp tục làm việc thì công ty chỉ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế và không đóng bảo hiểm thất nghiệp có được không?

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm thì người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Người lao động theo quy định nêu trên đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, những người lao đồng này nếu giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định nêu trên mà không thuộc đối tượng đang hưởng lương hưu hoặc giúp việc gia đình thì vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

N.C