Gần Tết Nguyên đán: Lao động thời vụ kén việc, doanh nghiệp “lo sốt vó"

Thời điểm cận Tết, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ tăng vọt. Dù chịu trả lương cao và nhiều ưu đãi song nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình khó tìm được lao động như ý vì người lao động "kén" và “nhảy” việc.

Nhu cầu tăng cao, khan hiếm lao động

Dù đã đăng tải trên các trang mạng, trên mạng xã hội và cả nhờ đến trung tâm môi giới lao động nhưng chị Lê Thu Vân, chủ một cơ sở gia công đồ trang trí Tết ở Thủ Đức (TP HCM) vẫn không thể tìm được số người lao động cần thiết.

Theo chị Vân, từ đây đến gần Tết chị cần 35 lao động chuyên cắt, dán thủ công, đóng gói và 4 người chuyên vận chuyển hàng. Thế nhưng, đăng tìm khắp mà đến nay vẫn chỉ mới tuyển được 25 người cả làm thủ công lẫn vận chuyển hàng, dù chị đã trả công gấp rưỡi ngày thường, 35 ngàn/ giờ lao động.

Gần Tết Nguyên đán: Lao động thời vụ kén việc, doanh nghiệp “lo sốt vó - Ảnh 1.

Nhu cầu tăng đột biến, doanh nghiệp không dễ tuyển dụng lao động thời vụ dịp Tết

Lượng đơn đặt hàng nhiều, lại sắp đến ngày giao hàng nhưng vẫn thiếu người trầm trọng khiến chị lo sốt vó. "Nếu mấy ngày nữa vẫn không tuyển được người, có lẽ tôi sẽ tăng thêm lương theo giờ lên. Tuy nhiên, như vậy cũng là phương án cuối cùng vì như vậy chi phí nhân sự sẽ tăng cao, cùng với các chi phí khác nữa thì lợi nhuận chẳng còn được bao nhiêu", chị Vân than thở.

Vài năm trở lại đây, đời sống cao, nhu cầu về nhân sự phổ thông, thời vụ tăng đột biến, đặc biệt là dịp Tết. Thống kê sơ bộ có thể thấy, riêng thị trường nhân sự TP HCM đã có tới vài chục ngàn vị trí đang cần người.

Vào mùa Tết, lao động phổ thông, thời vụ càng khan hiếm hơn vì một lượng lớn đã bị thu hút tham gia vào nghề xe ôm công nghệ hoặc "nhảy" việc nhẹ nhàng, phù hợp hơn, hoặc tham gia vào các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Anh Nguyễn Đình Văn ở Dĩ An (Bình Dương) tham gia xe ôm công nghệ được 9 tháng cho biết, trước kia anh làm "thợ đụng", nghĩa là đụng đâu làm đó. Dịp cận Tết là dịp anh "thu hoạch" nhiều nhất với nhu cầu lao động cao, làm không hết việc: khuân vác, chở hàng, giao hàng...

Tuy nhiên, sau khi tham gia đội xe ôm công nghệ, anh Văn bỏ nghề thợ đụng vì mức thu nhập xe ôm công nghệ ổn định hơn, có việc thường xuyên chứ không phải lặn lội tìm việc, "chạy gạo từng bữa" như trước.

Chính vì vậy, dịp Tết anh cũng không bỏ công việc xe ôm để tham gia lực lượng lao động thời vụ. "Theo tôi được biết, nhiều lao động thời vụ trước kia đã được "thu nạp" vào giới xe ôm công nghệ, gần Tết nhu cầu đi lại, giao hàng trên ứng dụng cũng tăng cao, vì thế lượng lao động thời vụ thông thường bị giảm sút là chắc chắn", anh Văn chia sẻ.

Đó là chưa để đến sự cạnh tranh của hàng chục khu chế xuất, khu công nghiệp trong và quanh Sài Gòn cũng đang cấp tập tuyển dụng lao động thời vụ với nhiều ưu đãi thời gian này.

Lao động kén việc, "nhảy" việc vì "đứng núi này trông núi nọ"

Một nỗi khổ của người sử dụng lao động dịp Tết là lao động thời vụ "kén việc", "đứng núi này trông núi nọ" vì có quá nhiều lựa chọn. Chị Kim Quyên, chủ một cửa hàng bánh kẹo ở quận 5 (TP HCM) cho biết, chị đang điêu đứng vì người bán hàng nghỉ ngay mùa cao điểm.

Chị Quyên chia sẻ, mặc dù có thưởng Tết, nhưng người làm của chị vẫn bỏ việc sang cửa hàng khác vì quy mô lớn và hứa hẹn lương, thưởng cao hơn. Cái khó là ngay thời điểm này không dễ gì kiếm người khác thế chỗ vào. Không chỉ thế, chị Quyên còn cho biết, người giúp việc trong nhà cũng có nguy cơ bị "kéo" đi nhà khác làm việc.

Gần Tết, lao động thời vụ nhảy việc liên tục là chuyện thường và cũng là nỗi "đau đầu" hàng năm của người sử dụng lao động, doanh nghiệp. Tuy nhiên, đó cũng là điều dễ hiểu khi mà lao động thời vụ có quá nhiều lựa chọn, "nước chảy chỗ trũng" là điều tất yếu, huống hồ họ không bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động hay trách nhiệm gì với người sử dụng lao động.

Bà Nguyễn Phan Vân Quỳnh, Giám đốc công ty dịch vụ Vệ sinh Đông Sài Gòn cho biết, thời điểm cận Tết, nhu cầu dọn dẹp vệ sinh của công ty và gia đình tăng vọt, để có lao động làm việc thời điểm này, công ty Đông Sài Gòn đã có chiến lược giữ người từ rất sớm: liên tục tìm kiếm, đào tạo người từ nhiều tháng trước. Trong quá trình đào tạo, tuyển dụng đồng thời phải đem đến cho người lao động những quyền lợi về các chế độ...

Đồng thời có ràng buộc hợp đồng để giữ những người có khả năng, có thể gắn bó lâu dài. "Cũng không trách được người lao động được vì dịp Tết là dịp tăng thu nhập, họ lựa chọn chỗ làm có lợi, hứa hẹn nhiều quyền lợi hơn là điều đương nhiên. Theo tôi, tiếng là lao động thời vụ Tết nhưng doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh cũng cần có sự chuẩn bị từ trước đó, không nên chờ nước tới chân mới nhảy", bà Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm giữ chân lao động dịp cận Tết.

Trước khó khăn này, nhiều cơ sở kinh doanh chuyển hướng tuyển dụng lực lượng sinh viên đang nghỉ học kì làm thời vụ vì độ tin cậy cao và mức độ nhảy việc cũng thấp hơn lao động phổ thông. Tuy nhiên, lượng sinh viên không nhiều đủ để cung ứng cho thị trường.

Theo Ngọc Mai/Báo Pháp Luật VN