Gần tết Đoan Ngọ, bánh ú tro, lá xông nhộn nhịp “xuống đường”
Còn 1 ngày nữa mới đến tết Đoan Ngọ (mồng 5.5 âm lịch), nhưng nhiều ngã đường, chợ truyền thống ở TP.HCM đã nhộn nhịp mua bán các mặt hàng phục vụ dịp này như bánh ú tro, lá xông, cơm rượu nếp…
Dạo một vòng quanh các chợ truyền thống ở TP.HCM như chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Bàn Cờ (quận 3), Chợ Lớn (quận 5) hay các khu chợ đường Phạm Thế Hiển (quận 8)… rất nhiều xe bán bánh ú tro được bày bán. Đây là các sản phẩm mỗi năm chỉ bán một vài lần nên cả người bán, người mua đều vui vẻ.
Chị Hồng, quê ở Quảng Ngãi, bán bánh ú tro tại chợ Hồ Học Lãm (trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân, TP.HCM) kể, từ sáng sớm tinh mơ, chị Hồng đã tranh thủ đến lò bánh tại quận 6 (TP.HCM) để lấy hàng.
Mỗi chục bánh ú tro nhân đậu xanh, chuối hoặc bí đỏ có giá từ 60.000 – 80.000 đồng, bánh không nhân có giá dao động từ 40.000 – 50.000 tùy kích cỡ. Cũng có bánh loại lớn hơn, giá từ 45.000 – 50.000 đồng/cái.
Chị Hồng cho biết chị làm nghề tự do nhưng đến dịp Tết Đoan Ngọ là chị lại bày hàng bánh ú tro ra bán. Ngoài bánh, chị còn bán lá xông và cơm rượu.
“Những năm còn ở quê, Tết Đoan Ngọ ngoài việc gia đình quây quần bên nhau thì còn là dịp được ăn bánh ú, trái cây, lên rừng hái lá về xông lấy ngọ… Vào Sài Gòn mưu sinh không còn tự tay làm những việc đó nữa nên đi bán bánh để tìm chút không khí quê nhà”, chị Hồng chia sẻ.
Bánh ú tro thường có hai loại, bánh ú của người Việt và bánh hình vuông do những người gốc Hoa làm. Giá bánh dao động từ 40.000 - 80.000 đồng/chục, tùy loại có nhân hoặc không nhân và tùy kích cỡ bánh.
Bánh ú tro thường chỉ nhỏ bằng nắm tay trẻ con, thế nhưng, một số nơi còn bán bánh ú tro cỡ lớn, giá từ 45.000 - 50.000 đồng/cái.
Những ngày này, đến khu người Hoa ở quận 5 và quận 6 với những đoạn đường như Nguyễn Trãi, Lão Tử, Gia Phú…, bạn sẽ thấy nhiều xe đẩy bán bánh ú nối liền nhau ở hai bên đường. Trong đó có những nhà chuyên làm bánh để bán với mức giá trung bình từ 60.000 đồng – 110.000 đồng/chục. Mức giá có phần "nhỉnh" hơn ở những nơi khác, nhưng kích thước bánh lại to và nhân cũng đặc sắc hơn.
Dịp Tết Đoan Ngọ, ngoài bánh ú tro, cơm rượu hay trái cây, người dân còn thường mua lá xông về phơi treo cửa nhà, nấu nước uống hoặc tắm với mong muốn diệt sâu bọ. Người Việt Nam còn gọi Tết Đoàn Ngọ là "tết diệt sâu bọ" vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ sâu bệnh.
Cũng vì dịp này cũng là thời điểm chuyển mùa, sâu bệnh dễ dàng gây hại mùa màng và gây bệnh tật cho con người, việc tắm lá, xông lá... phơi vào giữa giờ Ngọ với mong muốn tiêu trừ sâu bệnh phá hại.
Ngoài các mặt hàng truyền thống như bánh ú, lá xông, trái cây cũng là món được bán dồi dào, phổ biến trong dịp Tết Đoan Ngọ. Năm nay nhiều loại trái cây trúng mùa nên giá cả khá mềm, người bán người mua đều dễ chịu.
Theo Danviet.vn