Gác bằng nghề y, cô gái về làm đá mỹ nghệ kiếm trăm triệu mỗi năm
(Dân trí) - Học điều dưỡng 3 năm, sau đó thêm 2 năm học y sĩ nhưng ra trường chị Quyên không theo nghề y mà về quê làm nghề đá mỹ nghệ. Nghề đá giúp chị có thu nhập cao, thỏa niềm đam mê giữ nghề truyền thống.
Cơ sở sản xuất của chị Đỗ Thị Quyên, 33 tuổi, ở trong làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình. Trong số gần 1.000 phụ nữ tham gia các công đoạn chế tác đá mỹ nghệ tại Ninh Vân, chị được biết đến là người đầu tiên của làng trở thành nghệ nhân thủ công mỹ nghệ nghề chế tác đá.
Những ngày cuối năm, đơn hàng từ khắp nơi đổ về khiến chị Quyên cùng tốp thợ tất bật, làm ngày làm đêm cũng không đủ hàng cung ứng ra thị trường. Chị bảo, các sản phẩm đá mỹ nghệ cơ sở làm ra như: lư hương, bát hương, lọ hoa, mâm ngũ quả, tranh đá… xuất bán khắp các tỉnh từ ngoài Bắc đến trong Nam.
"Cơ sở sản xuất của tôi chưa bao giờ hết đơn hàng, mỗi ngày xuất hàng trăm sản phẩm đi các tỉnh. Tôi cùng thợ làm quần quật từ sáng đến tối cũng không kịp được các đơn hàng, có lúc phải thuê thêm người" - chị Quyên cho biết.
Câu chuyện với nữ nghệ nhân trẻ và duy nhất của làng nghề đá có tuổi đời trăm năm nổi tiếng ở Ninh Bình, bắt đầu từ danh hiệu mà chị nhận được cách đây 3 năm.
Chị Quyên tâm sự: "Từ trước đến nay mình làm nghề chỉ biết chú tâm vào công việc, phần vì đam mê nghề cha ông, phần vì kinh tế gia đình. Có ai nghĩ đến danh hiệu gì đâu. Mà hầu hết những làm nghề đá của làng đều ít quan tâm đến việc này".
Năm 2019, khi được Ban quản lý làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân động viên, chị Quyên đã tham dự cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ do Sở Công Thương Ninh Bình tổ chức. Tác phẩm của chị đạt giải, sau đó hồ sơ của chị được công nhận và bà chủ xưởng được tặng danh hiệu nghệ nhân thủ công mỹ nghệ chế tác đá một cách bất ngờ.
Vốn sinh ra tại làng nghề chế tác đá, từ nhỏ, Đỗ Thị Quyên đã sớm biết đến nghề. Ngày học cấp 2, cấp 3, sau mỗi buổi đến trường, Quyên về nhà phụ giúp bố mẹ các công đoạn nhẹ của việc chế tác đá. Cô gái bộc lộ năng khiếu với đôi bàn tay khéo léo từ ngày đó. Các công đoạn trổ nền, tỉa hoa văn, đánh bóng chị làm thoăn thoát.
"Học xong cấp 3, bố mẹ không muốn tôi theo nghề đá vì nghề này vốn chỉ thích hợp với nam giới, môi trường làm việc khắc nghiệt, luôn ở ngoài trời chịu nắng, bụi bặm và tiếng ồn. Bố mẹ khuyên tôi, phụ nữ nên chọn nghề nhẹ nhàng, sạch sẽ mà làm. Thế là tôi thi rồi vào học ngành điều dưỡng tại trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình" - chị Quyên nhớ lại.
Học xong 3 năm cao đẳng điều dưỡng, chị tiếp tục học thêm ngành y sĩ. Tuy nhiên, khi ra trường cơ hội việc làm rất khó. Thấy mình không có duyên với nghề y, chị quyết định về quê, quay lại với nghề truyền thống cha ông.
Vì có sẵn tay nghề, chị Quyên đã tìm cho mình hướng đi mới với những sản phẩm đá mỹ nghệ có chiều sâu và giá trị cao hơn. Cũng vì thế, cơ sở sản xuất của chị hiện nay không cần đến những cỗ máy khổng lồ để cắt xẻ đá mà chỉ cần những chiếc khoan, máy mài, máy đục cỡ nhỏ để "thổi hồn" cho các sản phẩm từ đá.
Khi lập gia đình, dù chồng cũng làm nghề đá mỹ nghệ nhưng chị Quyên lại có lối đi riêng cho mình. Gia đình chị hiện tại, chồng đang phụ trách một xưởng, vợ làm một xưởng khác, với các sản phẩm riêng.
Các sản phẩm tạo ra thương hiệu và nét riêng biệt, giá trị cao từ tay nghề của chị Quyên tạo tác ra phải kể đến là những bức tranh đá. Trong đó, các sản phẩm như tùng trúc cúc mai (4 mùa), tứ bình, tranh lịch, bình phong, câu đối… nổi tiếng ở làng nghề.
"Để làm ra những bức tranh đá hoàn toàn thủ công, người thợ phải mất rất nhiều công sức, thời gian, từ công đoạn sơn phủ mặt, tạo mẫu tới vẽ, tạo khối hoa văn và tạo hồn cho tranh. Công đoạn tạo hồn là quan trọng nhất, phải gửi được tâm tình vào tác phẩm" - chị Quyên chia sẻ.
Hiện mỗi tháng, cơ sở của chị Quyên xuất bán hàng nghìn sản phẩm các loại. Khi được hỏi về thu nhập cá nhân, chị Quyên khiêm tốn cười "mỗi năm kiếm được vài trăm triệu".
Điều nữ nghệ nhân trăn trở nhất là làm sao ngày càng phát triển được hơn nữa các sản phẩm chất lượng, mang giá trị nghệ thuật cao. Chị quyết không chạy đua theo thị hiếu, giá cả cạnh tranh của thị trường để đánh mất đi bản sắc của nghề truyền thống mà cha ông đã để lại.
"Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ quay lại làm nghề y. Làm nghề chế tác đá giờ không chỉ vì mưu sinh mà còn là niềm đam mê của tôi với nghề cha ông truyền lại" - chị Quyên bộc bạch.