Cụ ông 80 tuổi, 60 năm "thổi hồn" cho những khúc gỗ vô tri

Thái Bá

(Dân trí) - Ở tuổi xưa nay hiếm, hàng ngày ông Phạm Ngọc Vũ vẫn cần mẫn đục đẽo những khúc gỗ thô mộc. 60 năm, đôi bàn tay tài hoa của người thợ đã biến hàng nghìn gốc cây thành những sản phẩm sinh động, có hồn.

Về làng nghề mộc Phúc Lộc, phường Ninh Phong, TP Ninh Bình hỏi nghệ nhân Phạm Ngọc Vũ (80 tuổi) không ai là không biết. Ông Vũ chưa phải là người cao tuổi nhất ở làng còn làm nghề nhưng là người thợ tài hoa hiếm hoi còn sót lại, nổi tiếng với những tác phẩm điêu khắc gỗ lũa.

Cụ ông 80 tuổi, 60 năm thổi hồn cho những khúc gỗ vô tri - 1

Ông Phạm Ngọc Vũ đã 80 tuổi nhưng hàng ngày vẫn rất cần mẫn với nghề điêu khắc gỗ lũa (Ảnh: TB).

Ở tuổi xưa nay hiếm, đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu nhưng hàng ngày ông Vũ vẫn cần mẫn làm việc. Công việc "thổi hồn" vào những khúc gỗ vô tri đã gắn bó với ông hơn 60 năm. Tuổi cao, ông vẫn cố giữ nghề vì đam mê và mong muốn truyền lửa cho con cháu để giữ truyền thống.

Tay thoăn thoắt đục đẽo, trạm khắc tác phẩm đang làm dở, ông Vũ tâm sự, hơn 60 năm trước, sau khi tốt nghiệp Đại học mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, ông không chọn lập nghiệp ở thành phố mà về quê nhà mưu sinh bằng nghề cha ông để lại.

"Ngày đó, làng mộc Phúc Lộc đã nổi tiếng và có rất nhiều người theo nghề. Tuy nhiên, các sản phẩm làm ra chủ yếu là đồ dân dụng giá trị không cao như giường, tủ, bàn ghế, cửa gỗ…" - ông Vũ chia sẻ.

Cụ ông 80 tuổi, 60 năm thổi hồn cho những khúc gỗ vô tri - 2

Có hơn 60 năm gắn bó với nghề, ông Vũ đã làm ra hàng nghìn sản phẩm từ đôi bàn tay tài hoa (Ảnh: TB).

Khi đó, ông Vũ luôn trăn trở, nếu cứ mãi làm đồ gia dụng thì chẳng bao giờ nghề phát triển hơn được nữa. Vì thế, ông suy nghĩ tìm tòi để có hướng đi mới, để phát triển nghề theo hướng công nghệ và nghệ thuật cao, để tạo ra nét riêng và giá trị cao cho nghề mộc.

"Kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, tôi rút ra bài học, chỉ có sản phẩm điêu khắc tạo ra từ gỗ lũa là có giá trị cao, được nhiều khách hàng lựa chọn nhất. Vì thế, tôi đã chọn điêu khắc gỗ lũa làm hướng đi mới cho mình" - ông Vũ nhớ lại.

Nghệ nhân có hơn 60 năm gắn bó với nghề mộc tâm sự thêm, gỗ lũa là một loại gỗ quý hiếm nổi bật với những đặc tính đặc biệt mà không loại nào có được. Loại gỗ quý này từ xa xưa đã được các nghệ nhân khéo léo tạo nên những món đồ cao cấp có giá trị cao trong trang trí.

Cụ ông 80 tuổi, 60 năm thổi hồn cho những khúc gỗ vô tri - 3

Ông Vũ bảo, mỗi tác phẩm làm ra như đứa con tinh thần vì thế phải toàn tâm toàn ý thổi hồn cho chúng (Ảnh: TB).

Những ngày bắt đầu khởi nghiệp, ông Vũ nghiên cứu kỹ, sau đó tập và làm ra những tác phẩm dễ làm. Vốn ham học hỏi, cộng với khả năng sáng tạo, ông đã say mê nghiên cứu mẫu và bắt đầu nhận các tác phẩm như tượng Phật, La Hán, tượng Bác Hồ ở một số cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trong làng và địa bàn lân cận để thi công.

Khi đã lành nghề, những gốc củi khô hay khúc gỗ bỏ đi tưởng vô tri nhưng qua đôi bàn tay tài hoa của mình, ông Vũ đã biến chúng thành những tác phẩm có hồn, mang tính nghệ thuật và bán được giá cao.

Các tác phẩm điêu khắc gỗ lũa mang đến cho ông Vũ thương hiệu phải kể đến như: Anh hùng tương ngộ, Tượng Di lặc thần tài dưới gốc cây tùng. Hai tác phẩm này được chọn trưng bày tại triển lãm ở Trung tâm văn hóa tỉnh Ninh Bình. Ngoài ra, tượng Bác Hồ sơn son thếp vàng của ông cũng được chọn trưng bày tại đền làng Phúc Lộc.

Cụ ông 80 tuổi, 60 năm thổi hồn cho những khúc gỗ vô tri - 4

Năm 2016, ông Phạm Ngọc Vũ được UBND tỉnh Ninh Bình phong tặng danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ vì có nhiều đóng góp giữ gìn, khôi phục làng nghề mộc truyền thống.

Người nghệ nhân già tâm sự, để có một tác phẩm hoàn hảo, người thợ ngoài kinh nghiệm và đầu óc sáng tạo còn phải gửi gắm tâm hồn vào đó. Phải xem tác phẩm là đứa con tinh thần, toàn tâm toàn ý "thổi hồn" cho chúng.

Cụ ông 80 tuổi, 60 năm thổi hồn cho những khúc gỗ vô tri - 5

Đôi bàn tay tài hoa của người thợ già hơn 60 năm vẫn miệt mài biến những khúc gỗ vô tri thành sản phẩm nghệ thuật giá trị cao (Ảnh: TB).

"Làm nghề này không có sự hy sinh vì nghệ thuật thì chắc chắn không bao giờ có được những tác phẩm có giá trị. Với thời đại công nghệ hiện đại ngày nay, dù máy móc đã thay thế được nhiều công đoạn để chế tác ra một tác phẩm nhưng cũng không thể thiếu sự đóng góp công sức từ bàn tay khéo léo của con người" - nghệ nhân 80 tuổi nói.

Cũng vì đam mê với nghề mộc và nghệ thuật điêu khắc tượng từ gỗ lũa mà ông Vũ rất trăn trở khi ở Ninh Bình dường như không còn ai theo và làm nghề như ông. May mắn với ông là có người con trai thấu hiểu khi được bố truyền lửa đam mê.

"Con trai tôi nối nghiệp bố, hiện nay việc sản xuất đang rất phát triển, mở rộng cơ sở đến tận Đà Nẵng", ông Vũ phấn khởi.