Gia Lai:

Gia đình "gồng gánh", ngược ngàn hái cà phê thuê để… kiếm Tết

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Những ngày này, dòng người từ nhiều huyện của tỉnh Gia Lai rộn ràng đổ về khu vực Bắc Tây Nguyên để nhận hái cà phê thuê, với hy vọng về một cái Tết đủ đầy hơn phía trước.

Trong vụ cà phê năm 2021, nông dân thuộc các huyện Ia Grai, Chư Păh, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ… đã ra quân thu hoạch sớm hơn mọi năm.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, lượng nhân công từ các tỉnh lân cận Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên không thể lên tỉnh Gia Lai để thu hái cà phê.

Số nhân công lên thu hái chủ yếu ở các huyện Đông Nam Gia Lai như Ayun Pa, Krông Pa, Ia Pa… Chính vì vậy, giá thuê nhân công cũng tăng hơn so với năm trước.

Gia đình gồng gánh, ngược ngàn hái cà phê thuê để… kiếm Tết - 1

Ngay từ tháng 11, các nhân công đã lên các huyện Ia Grai, Đăk Đoa, Chư Prông để thu hái cà phê.

Như mọi năm trước, gia đình anh Kros Dyk (sinh năm 1995) và Rơ Mah H' Thu Hồng (sinh năm 2001, trú tại Buôn Tham, xã Ia Trol, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã lên huyện Ia Grai để lên thu hái cà phê. Vì ở nhà không có người trông nên gia đình anh Dyk phải mang theo đứa con hơn một tuổi đi cùng. 

Theo anh Dyk cho biết, năm nay, nhân công các tỉnh khác lên không được nên chủ yếu là lao động trong tỉnh. Như mọi năm, gia đình đã chọn hình thức hái khoán, tính theo khối lượng thu hái của mỗi ngày. Giá nhận hái khoán cũng tăng từ 80 nghìn đồng lên 100.000 đồng/tạ.

Gia đình gồng gánh, ngược ngàn hái cà phê thuê để… kiếm Tết - 2

Năm nay do ảnh hưởng dịch Covid -19 nên nhân công thu hái cà phê khan hiếm. Chính vì vậy, giá nhân công theo hái khoán đã tăng lên từ 80.000-120.000 đồng/tạ.

Mỗi ngày, 2 vợ chồng anh chị phải dậy từ 6h để nấu cơm ăn sáng và đưa thêm để phần cho buổi trưa. Tầm 7h, khi lớp sương còn chưa tan, cả nhà đã ra vườn cà phê để bắt đầu một ngày làm việc. Do hái khoán, hưởng theo sản lượng hái trong ngày nên ai cũng muốn làm cho nhanh để có thêm chút tiền công.

"Năm nào vào tháng 11, gia đình cũng bắt đầu thu xếp việc nhà để lên huyện này đi hái cà phê thuê. Việc hái cũng kéo dài được khoảng một tháng. Hết mùa, nếu chăm chỉ hái cũng sẽ có được khoảng 12 - 15 triệu đồng.

Nhiều chủ vườn ưu ái, ngoài tiền công, còn cho thêm tiền quà cáp và tiền xe về quê. Năm nay, dịch Covid-19 hoành hành nên cũng ảnh hưởng đến việc đi lại của gia đình", anh Dyk bộc bạch.

Gia đình gồng gánh, ngược ngàn hái cà phê thuê để… kiếm Tết - 3

Để có thêm nguồn thu trang trải dịp tết, chị Rơ Mah H' Thu Hồng đã cùng chồng và đứa con một tuổi lên thu hái cà phê tại huyện Ia Grai. 

Đi theo gia đình anh Dyk còn có 4 người đều là họ hàng trong xã. Anh Siu Hen (SN 1992) và chị Ksor Ni (SN 1983, Buôn Tham, Ia Trol, Ia Pa) cũng dẫn theo một người cháu của vợ chỉ mới lên lớp 6 lên huyện Ia Grai để cùng giúp thu hái, nhặt cà phê. Vì hái cà phê liên tục trong nhiều ngày, đôi bàn tay của hai vợ chồng đã trầy xước. Trên vai anh Hen là vết bầm khi vác cà phê giữa tiết trời khô lạnh.

Anh Hen cùng vợ đã có hơn 7 năm "thâm niên" với nghề này. Hai vợ chồng nhận hái khoán với mức tiền công từ 80.000-100.000 đồng/tạ. Nếu siêng năng thì mỗi người có thể hái 3-4 tạ/ngày.

So với việc ruộng đồng và những việc khác ở quê, nghề hái cà thuê cho thu nhập cao hơn hẳn. Mong muốn của anh chị là có thu nhập khá để trang trải nợ nần sau một năm ảnh hưởng dịch Covid-19, gần như không làm ăn gì được để mưu sinh.

Gia đình gồng gánh, ngược ngàn hái cà phê thuê để… kiếm Tết - 4

Các chủ vườn năm nay đều triển khai hái sớm nhằm cho nhân công trở về nhà, tránh tình hình dịch phức tạp khiến việc đi lại gặp khó khăn.

Anh Trần Xuân Hường (trú tại làng Ngai Yố, xã Ia Bă huyện Ia Grai, Gia Lai) hiện có hơn 2.000 cây cà phê. Anh Hường cho biết, so với mọi năm thì giá cà phê năm nay đã khởi sắc hơn. Nhiều người trong xã đã tranh thủ thuê nhân công để tập trung thu hái cà phê nhanh nhất có thể. 

Gia đình anh Hường năm nay đã thuê được 6 nhân công, đều từ các huyện ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai đến. Đối với lao động ngoài tỉnh, vì ảnh hưởng dịch, năm nay không có ai ngược ngàn lên núi được.

"Năm nay ảnh hưởng dịch Covid -19, lao động khan hiếm. Chính vì vậy, gia đình cũng triển khai hái sớm và nhanh để cho các lao động sớm về nhà, tránh tình trạng dịch bùng phát khiến việc đi lại khó khăn hơn. Trước khi lên thu hái, chúng tôi cũng đã tuyển chọn những vùng không có dịch và đảm bảo tiêm từ 1-2 mũi vaccine", anh Hường cho biết.

Gia đình gồng gánh, ngược ngàn hái cà phê thuê để… kiếm Tết - 5

Đầu vụ cà phê năm 2021, cà phê đã khởi sắc khi tăng lên gần chục giá so với mọi năm.

Hiện tại, Gia Lai có gần 100.000 ha diện tích canh tác cây cà phê. Trong đó, có gần 88.000 ha cà phê đang vào vụ thu hái, tập trung ở huyện Chư Prông, Ia Grai, Đăk Đoa, Mang Yang và Chư Sê… đạt sản lượng 254.440 tấn trên năm.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Ia Grai - do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhân công thu hoạch cà phê trên địa bàn năm nay thiếu gần 5.000 người. Số lao động từ các tỉnh phía Nam về chủ yếu phục vụ cho vườn của họ nên cũng chưa giải quyết được, nhiều việc thiếu nhân công lao động.

Phòng cũng đã có báo cáo về đánh giá sản lượng  và kiến nghị chính sách tạo điều kiện cho lao động được đến huyện phục vụ cho thu hái vụ mùa.

Gia đình gồng gánh, ngược ngàn hái cà phê thuê để… kiếm Tết - 6

Thời điểm hiện nay là chính của vụ mùa thu hoạch cà phê năm 2021.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến giữa tháng 11, có hơn 44 nghìn lao động từ các tỉnh trở về địa phương, trong đó lao động tự do (không có hợp đồng lao động) chiếm khoảng 40%.

Hiện Sở đang phối hợp rà soát, nắm danh sách các nhân công lao động thu hoạch nông sản trên địa bàn tỉnh gửi Trung tâm Dịch vụ việc làm để giới thiệu, giải quyết việc làm. Đồng thời, cũng kết nối, tạo điều kiện cho người lao động quay về các tỉnh phía Nam để lao động.