Độc đáo làng hoa cảnh nghìn đô cổ nhất Hà Nội
Ở ngay Hà Nội, có một ngôi làng nổi tiếng là bách nghệ trăm nghề. Riêng thú chơi cây kiểng đã là một thứ nghề khó nhằn, ấy vậy mà người dân nơi đây cũng đã ngót nghét vài trăm năm đeo đuổi.
Làng Triều Khúc, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) được biết đến với cái tên Kẻ Đơ. Mà làng xưa, nếu có chữ Kẻ thì hẳn là một nơi sầm uất trên bến dưới thuyền, con người thì văn hoa chữ nghĩa đĩnh đạc phong lưu.
Chẳng biết sự hiểu ấy có thực không, nhưng dạo sâu trong làng Triều Khúc mới thấy hết những cổ kính của làng và cổ kính của nghề.
Làng bon sai cổ
Làng Triều Khúc là cái nôi cây cảnh bon sai của Hà Nội xưa. Cùng với những nghề dệt nón quai thao, dệt quả cù thì nghề tạo tác bon sai nơi đây đã làm cho làng cổ thêm danh tiếng, góp cho Hà Nội thêm một thứ nghề chơi sang trọng, kỳ công.
Ông Nguyễn Hữu Vỵ - Chủ tịch UBND xã Tân Triều cũng là người làng Triều Khúc, cũng mê chơi cây kiểng lắm nhưng vì cái tay không được trời phú cho sự khéo léo hơn người nên cũng chỉ dám trưng bày những chậu cảnh do mình tạo ra ở một nơi kín đáo. Nhưng ông rất tự hào về làng mình, nên khi ai đó hỏi ông về cái nghề xưa cũ ấy thì ông sung sướng lắm.
“Ở làng tôi, nghề này có từ lâu rồi. Không biết từ mấy trăm năm trước nhà vua có ban chiếu sắc gì không, nhưng mà nghề cây kiểng ở đây từng được xem là nơi duy nhất của Hà Nội có. Chỉ mấy chục năm trước, vườn các nhà ngập tràn những chậu kiểng đẹp. Nay, do đất hẹp nên nghề cũng phải thu hẹp”, ông Vỵ nói.
Trong cái sự thu hẹp về quy mô làm nghề, thì tinh hoa dường như tích tụ lại. Sự tinh tế của nghề dường như lại đậm đặc hơn, mà qua những dáng hình cây kiểng làm cho người ta nhớ đến những kiệt tác, những sự quái lạ của trời đất. Cái đẹp của thiên nhiên như tụ lại trong một chậu cảnh nhỏ bé.
Gửi Đạo vào cây
Quả là nghề nào cũng có bí quyết riêng, mà nếu người ta chịu khó tìm tòi sẽ thấy được cả những triết lý nhân sinh. Triết lý ấy, với những thú chơi khác được gọi là gì thì không rõ, nhưng với nghề cảnh kiểng thì những nghệ nhân gọi là Đạo. Cái Đạo ở đây không đơn thuần gắn với niềm tin tôn giáo, ngược lại nó gắn với những hiện thực xóm làng.
Cây kiểng, bản chất của nó không tải Đạo, nhưng những nghệ nhân lại như những đạo sĩ truyền triết lý qua từng nhánh cây, tán lá.
Nghệ nhân Nguyễn Gia Hiển - Phó chủ tịch CLB sinh vật cảnh Hà Nội là người Triều Khúc nên hiểu hơn ai hết về những triết lý bon sai. “Một cây kiểng đẹp bao giờ cũng phải hội tụ ba chữ: Cổ - kỳ – mỹ. Cổ - không đơn thần là cổ thụ, già lão, lâu năm mà đề cao tài năng của nghệ nhân biến một cây không có tuổi đời cao thành một cây cổ lão. Kỳ - không phải là kì quặc mà là cái mới độc đáo, cái không giống ai trong tạo tác cây cảnh. Và cái Mỹ là đi sâu nét đẹp nhân văn, chứ không đơn thuần ở cái đẹp hình thức”, ông Hiển cho biết.
Trong suốt mấy trăm năm làm nghề tạo tác cây kiểng bon sai, người Triều Khúc luôn đặt ba chữ ấy lên đầu. Đó cũng là ba tiêu chuẩn để nghệ nhân soi chiếu về một tác phẩm bon sai xem có đạt chất lượng hay không. Trong mỗi độ tết đến xuân về, người làng này thường hay tổ chức trưng bày cây ra một bãi đất rộng để mọi người thưởng lãm, cũng là dịp để các cao nhân đánh giá, bình luận.
Theo ông Hiển, nghệ nhân ai cũng hiểu được lẽ ấy nhưng không phải ai cũng làm được điều ấy. Một phần vì thứ nghề tiêu tốn quá nhiều thời gian, công sức, tâm trí; phần nữa là người chơi cây bây giờ chỉ am hiểu và sính cái đẹp bề ngoài nên dù rất tâm huyết nhưng nhiều khi, dù cây chưa đạt tầm thì các nghệ nhân cũng tặc lưỡi hài lòng. Cái Đạo vì thế cũng giảm đi mất phần nào.
Những vườn cảnh đổi đời
Ông Nguyễn Hữu Vỵ, Chủ tịch UBND xã Tân Triều, cho biết: “Hiện nay, Triều Khúc vẫn còn vài chục người làm nghề tạo tác bon sai. Có những gia đình mấy đời đều theo nghề. Họ sống được với nghề một cách đàng hoàng và giàu có nhờ những vườn cảnh đổi đời”.
“Vườn cảnh đổi đời”, ấy là cách nói của người Triều Khúc gọi riêng những vườn cây bon sai. Theo cách giải thích của ông Vỵ, những vườn bon sai có khi hàng chục năm không bán một cây nào, đơn giản bởi cây chưa đạt tiêu chuẩn. Phải chờ đủ thời gian, những cây ấy mới được chào bán, và giá bán lúc này mới thực sự thể hiện phần nào công lao của nghệ nhân.
“Có những cây, chỉ cao bằng một gang tay nhưng hội đủ tiêu chuẩn bon sai và độc đáo nên giá trị bằng cả cái ô tô. Lại có những cây được trồng trong cái chum vứt mẻ nhưng chào bán với giá vài trăm triệu. Ở một vườn bon sai đẹp, cái giá ước tính lên đến cả chục tỷ đồng”, ông Vỵ khẳng định.
"Cùng với các nghề truyền thống, nghề tạo tác bon sai của người Triều Khúc thực sự đem lại lợi kinh tế và tinh thần. Có những cây cảnh được tính bằng đô-la, lại có những cây vô giá. Nhưng trước hết, nghề này làm giàu tinh thần và thể hiện được đam mê cùng tài năng của nghệ nhân Triều Khúc”, ông Vỵ nói.
Đến vườn nhà ông Cao Duy Bính, một nghệ nhân nổi tiếng Triều Khúc mới thấy hết những tài tình. Vài trăm chậu cảnh xếp theo hàng lối, mỗi cây một dáng điệu, một hình thù riêng biệt chứa đựng những triết lý sống khác nhau. Nhìn cây kiểng, biết tính cách và tri thức chủ nhân.
Ông Bính bảo: “Làm nghề này, không phải cứ giá cao là bán. Có những cây, giá bạc tỷ nhưng bán cho người không xứng thì mình áy náy. Lại có những cây, dù giá rất cao nhưng khách hạ xuống giá thấp thì mình vẫn bán, vì họ xứng đáng. Sự đổi đời ở đây không phải vì tiền, mà đổi đời nhờ gặp được những quý nhân”.
Theo Đỗ Lực/Báo Gia đình xã hội