Chuyện những làng "ly hương"
Sau Tết Nguyên đán, nhiều ngôi làng ở ngoại thành lại trở nên vắng vẻ. Đây là thời điểm nhiều lao động tạm xa gia đình, bạn bè để rời quê hương tìm đến những “miền đất hứa”, mong muốn có một cuộc sống khấm khá hơn. Đằng sau sự vắng vẻ đó là những vấn đề mà người ở lại phải đối mặt như việc chăm sóc con cái, vấn đề an ninh an toàn,...
Về “làng xuất ngoại”
Vào thăm gia đình bà Trần Thị Xếp ở thôn Nam Quất (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên) chúng tôi chứng kiến một không khí vui tươi, đầm ấm. Bà Xếp đang nấu bữa cơm dưới bếp chia sẻ với chúng tôi: “Mấy năm vắng nhà, đợt nghỉ ngắn ngủi lần này hôm nào nó cũng “tranh phần” đi đón con!”. Lát sau, bé Lê Hà Mi được bố đưa về chạy ào vào lòng bà nội, cười bẽn lẽn vì thấy nhiều khách lạ.
Con bà Xếp, anh Lê Quốc Ngọc năm nay 29 tuổi, đã có 3 năm lao động tại Đài Loan. Kết thúc “khóa” đầu tiên, anh Ngọc nghỉ khoảng 1 tháng đúng vào dịp Tết Nguyên đán, trước khi chuẩn bị thủ tục tiếp tục lên đường sang Đài Loan lao động đợt hai, thành ra không khí trong nhà bà Xếp luôn rộn ràng. Theo anh Ngọc, điều đáng tiếc nhất là vợ anh, chị Nguyễn Thị Trang đã không thể ở lại ăn Tết với gia đình do phải lên đường sang Đài Loan từ những ngày trước Tết Nguyên đán “để thực hiện nhiệm vụ đột xuất”.
Điều khiến chúng tôi bất ngờ là bà Trần Thị Xếp cũng có 9 năm làm việc ở Đài Loan (từ 2003 đến 2012). Giờ đây, khi con trai và con dâu tiếp tục con đường của mình, ngoài giờ chăm cháu nội, bà Xếp tranh thủ thời gian đi thông dịch tiếng Hoa cho một số công ty ở Khu công nghiệp Đồng Văn (Hà Nam).
Ở ngay gần nhà bà Xếp là gia đình anh Lê Văn Thường. Vợ anh là chị Vũ Thị Hiền cũng đi xuất khẩu lao động tại Ma Cao (Trung Quốc). Hôm chúng tôi đến thăm chỉ có bà Nguyễn Thị Sợi (83 tuổi), mẹ anh Thường, ở nhà. Ngôi nhà hai tầng của gia đình khang trang, nội thất bên trong tươm tất.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Sợi giọng nhỏ nhẹ: “Con dâu đi được hai năm rồi, hai đứa cháu nội đã xây dựng gia đình. Nhà giờ có 3 người nhưng thằng Thường rảnh rỗi lại đi làm thuê, đứa cháu út đi học, thường chỉ có mình tôi ở nhà. Con dâu vắng nhà nên một số việc nhẹ nhàng như dọn dẹp cửa nhà, nấu nướng, chăm sóc cháu nội tôi vẫn làm. Tết vừa rồi con dâu về thăm gia đình và lại đi từ mùng 9 tháng Giêng. Tôi khuyên các cháu phải chăm chỉ lao động. Bản thân tôi dù tuổi đã cao nhưng còn sức khỏe thì vẫn mong giúp đỡ con cháu!”.
Đi sâu vào trong các ngõ xóm chúng tôi thấy không khí vắng lặng, thi thoảng mới gặp được một người già. Theo tìm hiểu của chúng tôi, lao động chính trong các gia đình ở Nam Quất, ngoài một số người chuẩn bị cấy vụ lúa chiêm xuân, còn lại đã đi làm việc ở nhiều nơi.
Ông Lâm Văn Tiếp, Trưởng thôn Nam Quất, chia sẻ, trong thôn có hàng trăm lao động đang làm công nhân cho các công ty trong nước hoặc đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma Cao, Đài Loan… Bản thân gia đình ông Tiếp có 3 lao động đang làm việc ở bên ngoài, trong đó vợ ông - bà Lâm Thị Oanh đã có 12 năm lao động ở Đài Loan; con trai làm nhân viên trạm thu phí ở Đồng Văn (Hà Nam); con dâu làm công nhân may.
Người ở lại vì người đi...
Theo thống kê của xã Nam Triều, hiện nay lực lượng lao động chủ lực rời quê hương đi làm việc ở các nơi khá lớn, khoảng 1.100 người ở hai thôn Nam Quất và Phong Triều. Tuy vậy, trong nhiều lĩnh vực, xã Nam Triều vẫn dẫn đầu huyện Phú Xuyên như về sản xuất nông nghiệp đã áp dụng cơ giới hóa khoảng 70% diện tích cấy lúa. Xã không có diện tích đất sản xuất nông nghiệp bỏ không; vụ đông luôn phủ kín khoảng 75% diện tích...
Chủ tịch UBND xã Nam Triều Lâm Văn Điện cho biết, “Nam Triều luôn tự hào là địa phương có an ninh trật tự bảo đảm, “sạch” tệ nạn xã hội, đặc biệt là người đi và người ở lại luôn có sự đoàn kết, thương yêu nhau”.
Rời xã Nam Triều, chúng tôi đến thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc (huyện Mê Linh), nơi mà nhiều người vẫn gọi là “làng xa mẹ”, vì khoảng 20 năm trở lại đây, hàng trăm người dân thôn Xa Mạc đã “Nam tiến” để mưu sinh bằng nghề thu mua đồ cũ. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Liên Mạc, thôn Xa Mạc có hơn 1.000 hộ dân thì có khoảng 700 hộ có người “Nam tiến”.
Bà Nguyễn Thị Hồng, một người có nhiều năm làm nghề thu mua đồ cũ ở TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Thời gian đầu vào không biết đường sá thế nào, lại nhớ nhà nên cũng tủi lắm. Mỗi khi ốm đau hay có việc, những người trong thôn, trong xóm cùng nghề lại đùm bọc, giúp đỡ nhau”.
Đời sống người dân Xa Mạc giờ đã khác xa cách đây 20 năm. Nhà cao tầng mọc san sát, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa phẳng lỳ. Điều đáng kể nhất là hầu hết các hộ dân “Nam tiến” đều có đời sống khá giả. Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Văn Chăm cho biết, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến công tác giáo dục, không để trẻ em không được đến trường và giữ gìn an ninh làng xóm được yên bình.
Không giống như ở xã Nam Triều hay xã Liên Mạc, ở xã người Dao Ba Vì (huyện Ba Vì) từ mấy năm trở lại đây xuất hiện tình trạng người dân đi lao động “chui” sang Trung Quốc. Chúng tôi đến thăm gia đình chị Triệu Thị An ở thôn Hợp Sơn (xã Ba Vì), người từng có những năm tháng lao động “chui” ở Trung Quốc.
Chia sẻ về thời gian “sống chui lủi”, chị An bùi ngùi: “Đầu năm 2015 vợ chồng tôi phải gửi lại 3 con cho ông bà nội chăm sóc để sang Trung Quốc tìm việc. Sau 3 tháng làm việc cực nhọc, bấp bênh chúng tôi đành quay trở về quê tay trắng”. Vì phải vay tiền để được đi “xuất khẩu lao động” nên chồng chị An sau một thời gian đã quyết định quay trở lại Trung Quốc làm việc để mong ông chủ trả tiền công và kiếm đủ tiền trả nợ. Nghĩ lại quãng thời gian cực nhọc, chị An thở dài: “Ở nhà thôi, chẳng dám đi lần nữa đâu!”.
Ông Lý Sinh Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết, rất nhiều hệ lụy xảy ra từ hành động thiếu suy nghĩ nói trên, trong đó đáng nói nhất là sự mất an toàn cho người dân, an ninh trật tự địa phương bị đảo lộn; nhiều gia đình rơi vào cảnh nợ nần, con cái nheo nhóc… Tuy nhiên, hiện nay số lượng người vượt biên trái phép đã giảm nhờ vào việc chính quyền địa phương mở rộng các ngành nghề, tạo việc làm cho người dân, trong đó có nghề thu hái, chế biến thuốc Nam; tuyên truyền cho người dân tìm các công việc phù hợp trong huyện, trong thành phố...
Theo Chí Kiên/ Báo Hà Nội Mới