Độc đáo những khu chợ gỗ bán theo cân tại làng Đồng Kỵ
Trên con đường vào làng Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, khách đến làng sẽ ngạc nhiên khi thấy từ những mẩu gỗ nhỏ như nắm tay cho đến những khối gỗ to được bày bán la liệt.
Trên con đường vào làng Đồng Kỵ, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, khách đến làng sẽ ngạc nhiên khi thấy từ những mẩu gỗ nhỏ như nắm tay cho đến những khối gỗ to được bày bán la liệt.
Dù chỉ là những mảnh gỗ nhỏ nhưng giá trị của chúng không hề nhỏ bởi đó toàn là các loại gỗ tự nhiên, quý hiếm như gụ, hương, trắc, nghiến, lim, sưa... và được sử dụng cho những chi tiết thiếu hụt của sản phẩm mộc.
Gỗ nguyên liệu được bán tại làng Đồng Kỵ được phân thành các khu và mỗi khu dường như chỉ chuyên bán một loại gỗ nhất định. Và ở Đồng Kỵ có rất nhiều khu chợ như vậy.
Người dân ở đây cho biết chợ gỗ mọc lên từ gần 5-6 năm nay. Ban đầu, những đoạn đường này chỉ là những điểm tập trung, bãi chứa gỗ của làng nghề. Vừa tập kết, vừa trao đổi, hoạt động của các bãi chứa ngày càng nhộn nhịp và dần dần trở nên đông đúc.
Giờ không chỉ người làng Đồng Kỵ buôn bán với nhau, mà những người làm nghề đồ mộc ở khắp các địa phương cũng về đây mua bán và họp thành chợ. Những người mua hàng cũng rất đa dạng, từ các thương lái cho tới thợ mộc, chủ xưởng đi chọn gỗ và những gia đình làm nghề mộc ở Đồng Kỵ. Do nhu cầu của làng nghề nên chợ diễn ra hàng ngày, từ khoảng tờ mờ sáng cho đến tối mịt.
Không chỉ có những khối gỗ to, tròn hay đã xẻ vuông vắn được bày bán mà ở Đồng Kỵ còn có có một khu chợ chỉ chuyên bán những mảnh gỗ chỉ dài vài chục centimet hay những đầu mẩu, cục gỗ chỉ nặng vài lạng đến vài cân. Đó là khu chợ chuyên bán gỗ trắc. Do gỗ trắc quý nên không thể bỏ đi dù chỉ là một mẩu gỗ nên đã tạo nên nét độc đáo của khu chợ này.
Tất cả các mảnh gỗ trắc, từ những đầu mẩu, mảnh gỗ vụn, thậm chí đã bị cháy xém cho đến những tấm ván thô hoặc đã qua sử dụng, được sơn bào cũng bán tại đây. Có những tấm gỗ chỉ dài hai gang tay, dày nửa phân mà có giá tới hàng trăm nghìn đồng. Có những tấm có vân đẹp giá có thể lên cả triệu đồng còn gỗ vụn, thô thường bán theo cân với giá vài trăm nghìn cho đến 1 triệu đồng/kg.
Mỗi người đến chợ gỗ Đồng Kỵ trên tay đều có một vật dụng không thể thiếu trong mua bán gỗ đó là cái thước. Chỉ cần đặt thước đo là họ nhanh chóng định ra được khối lượng, giá trị của mảnh gỗ.
Đặt thước đo xong, anh Nguyễn Hoàng Nghiên, người làng Đồng Kỵ, cho hay mẩu gỗ anh đo nặng khoảng 1kg. Nhưng anh cho biết, giá trị của mẫu gỗ này không chỉ ở trọng lượng mà ở cả chất lượng gỗ nên người mua nhiều khi cũng không cần cân.
Trên tay cầm thước đo, anh Hoàng Văn Lâm cùng ở làng Đồng Kỵ đang tìm một miếng gỗ như ý còn thiếu trong chi tiết sản phẩm của mình. Anh Lâm chia sẻ đều là gỗ trắc cả nhưng có nhiều loại giá. Bởi nó tùy thuộc vào kích cỡ, chất lượng gỗ. Người đi mua chỉ mua những mẩu gỗ nhưng cũng phải cầm tiền triệu mới mua được hàng.
Chị Đào Thị Lan, là một trong những tiểu thương bán gỗ trắc trong khu chợ, cho biết sở dĩ loại gỗ này có giá trị vì đây là loài gỗ hiếm. Gỗ rất mịn, chắc và đặc biệt đây là loại gỗ không bị cong vênh, biến dạng với mọi thời tiết. Gỗ không bị mối mọt và có hoa văn đẹp. Thêm vào đó, đồ đạc được đóng bằng gỗ trắc càng dùng lại càng bóng đẹp.
Theo anh Hoàng Văn Lâm, nhiều tiểu thương tại chợ gỗ Đồng Kỵ đã tích gỗ trắc trong nhà có giá trị lên đến tiền tỷ. Có những hộ vừa buôn gỗ vừa đóng đồ. Những mảnh gỗ trắc còn thừa, không thích hợp với những món đồ của họ thì sẽ được đem ra chợ bán cho những người khác có nhu cầu. Bởi vậy, những mảnh gỗ trắc ở đây thường rất nhỏ, chủ yếu được mua để bù vào những chỗ còn khuyết của sản phẩm.
Đi thêm một đoạn là đến khu chợ hầu hết bán gỗ hương. Đây là dòng gỗ phổ thông, chưa phải là dòng gỗ đắt tiền nhất nên những khối gỗ được bày bán cũng lớn hơn. Mỗi tiểu thương ở đây đều phải sắm một cái cân tạ để bán hàng. Những khối gỗ to nhỏ, thậm chí là những mảnh gỗ đã được xẻ ra với đủ loại quy cách được bày bán đầy bên đường. Gỗ hương có giá từ 60.000 cho đến trên 100.000 đồng/kg, tương đương 60-100 triệu/m3.
Làng Đồng Kỵ nổi tiếng với những sản phẩm gỗ như tủ thờ, bàn ghế, gụ, sập... Với những chi tiết chạm khắc vô cùng tinh xảo, mẫu mã đẹp nên đồ gỗ của làng không chỉ được thị trường trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Theo ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội gỗ Đồng Kỵ, có tới 60-70% lượng hàng của làng nghề làm ra được xuất sang thị trường Trung Quốc.
Do đó, ở chợ gỗ này cũng có nhiều người Trung Quốc mua hàng. Theo chị Đào Thị Lan, họ mua mang về nước họ đóng đồ nhưng thường đóng luôn tại Đồng Kỵ và mang sản phẩm về. Trung Quốc là thị trường ưa chuộng các loại gỗ tự nhiên. Tuy nhiên, một vài năm gần đây thị trường này tiêu thụ chậm các sản phẩm gỗ.
Theo Hội gỗ Đồng Kỵ, lượng hàng của làng nghề bán sang thị trường Trung Quốc hiện đã giảm xuống còn một nửa, thậm chí 2/3 so với cách đây khoảng hai năm. Cùng với sản lượng xuất khẩu giảm sút, giá bán các sản phẩm làng nghề làm ra cũng giảm đáng kể. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề. Vì vậy, chợ gỗ cũng kém đông đúc hơn những năm trước đây.
Theo Vietnamplus.vn
http://www.vietnamplus.vn/doc-dao-nhung-khu-cho-go-ban-theo-can-tai-lang-dong-ky/432017.vnp