1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Để F0, F1 đi làm: Bài toán "cân não" khi trấn an người lao động

Xuân Hinh

(Dân trí) - Việc F0 (không triệu chứng), F1 đi làm sẽ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, lao động có thêm tiền lương. Nhưng để trấn an công nhân đang khỏe mạnh chấp nhận việc này không phải điều dễ dàng.

Để F0, F1 đi làm: Bài toán cân não khi trấn an người lao động - 1

Lãnh đạo tỉnh Long An đã khảo sát tình hình việc làm tại các nhiều doanh nghiệp trước khi chấp thuận chủ trương cho F0, F1 đi làm trong những trường hợp quan trọng.

UBND tỉnh Long An đã ban hành văn bản phổ biến quy định tạm thời các trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly được tham gia làm việc trong những trường hợp quan trọng, cấp bách. Đây được xem chủ trương kịp thời, sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế, giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trên địa bàn, thu hút lao động từ các địa phương.

Theo Giám đốc Sở Y tế Long An Huỳnh Minh Phúc, chủ trương của tỉnh dựa trên tinh thần Nghị quyết số 128 ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" và đề xuất "Công tác triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19" của Bộ Y tế ngày 5/3.

Ông Phúc cho biết, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động do F0, F1 tăng cao. Từ nhu cầu thực tế, Long An đã thực hiện chủ trương cho phép F0 (không triệu chứng), F1 đi làm để giải quyết các nhu cầu cấp bách. Trong quá trình thực hiện, Sở sẽ tăng cường giám sát và tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh giải quyết khi có phát sinh.

Để F0, F1 đi làm: Bài toán cân não khi trấn an người lao động - 2

Các doanh nghiệp đều cho rằng, chủ trương cho F0, F1 đi làm là chính sách kịp thời nhằm giảm tình trạng thiếu lao động, tuy vậy, doanh nghiệp cần thời gian để sắp xếp.

Theo khảo sát của PV, dù chủ trương đã được ban hành 2 ngày nhưng các doanh nghiệp vẫn đang cân nhắc có nên cho F0, F1 đi làm hay không.

"Đây là chủ trương mà các doanh nghiệp rất mong chờ. Tuy nhiên, chúng tôi cần thời gian để sắp xếp, chưa thể vội vàng được. Hai năm qua, chúng tôi đã chịu quá nhiều thiệt hại, nếu không tính toán kỹ, hậu quả sẽ khó lường", ông Nguyễn Thái An, chủ một doanh nghiệp tại huyện Bến Lức, cho hay.

Ông An cho rằng, ngoài việc sắp xếp nơi ăn, nơi làm việc, vấn đề tâm lý cho những công nhân khỏe mạnh cũng khá nan giải. Doanh nghiệp cũng cần phải có những phương án riêng nhằm đảm bảo cho công nhân được an toàn trong sản xuất.

"F0, F1 đi làm thì sẽ giúp công ty, giúp công nhân có thêm tiền lương nhưng lỡ lây qua cho công nhân khỏe mạnh thì phải làm sao, hỗ trợ thế nào? Tôi có trao đổi với công nhân, họ nói sẽ chấp nhận cho F0, F1 đi làm chung nhưng họ cũng còn nhiều lo lắng. Họ lo nếu bị nhiễm Covid-19 và trở nặng rồi còn lây cho người thân. Nói chung, vấn đề này khó và chúng tôi đang nghiên cứu thêm", ông An nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH JIA HSIN (Khu Công nghiệp Cầu Tràm, huyện Cần Đước) cũng cho biết, công ty có hơn 5.000 công nhân. Hiện, rất ít công nhân F0, F1, công tác 5K luôn được tuân thủ nghiêm ngặt... nhưng vẫn chưa sẵn sàng để F0, F1 đi làm trở lại.

Để F0, F1 đi làm: Bài toán cân não khi trấn an người lao động - 3

Nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng chủ trương đưa F0, F1 đi làm trở lại.

"Doanh nghiệp cũng đắn đo khi cho F0 đi làm. Cái khó khăn nhất của doanh nghiệp có đông công nhân là tâm lý chung của những người còn lại. Đồng ý là bố trí làm riêng, ăn riêng, khu vệ sinh riêng, nhưng mà chắc chắn tâm lý người khỏe mạnh vẫn cảm thấy e dè", bà Kim Anh chia sẻ.

Ghi nhận tại, Khu công nghiệp Phú An Thạnh, huyện Bến Lức, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại, với 60 doanh nghiệp và gần 6.000 công nhân. Tuy vậy, đơn vị này cũng chưa triển khai việc đưa F0, F1 tham gia sản xuất.

Trên địa bàn Long An hiện có 16 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng số 1.563 doanh nghiệp và gần 180.000 công nhân, người lao động, chuyên gia. Giai đoạn cao điểm dịch có trên 360 doanh nghiệp phát sinh F0 với trên 11.500 ca F0.