F0 vẫn đi làm: Tại sao không?

CTV

(Dân trí) - Thời gian gần đây, mặc dù số ca mắc Covid-19 ở nước ta tăng nhanh nhưng số ca tử vong lại giảm mạnh. Đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Mừng bởi bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực trong việc phòng chống, đẩy lùi và thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Đây là minh chứng rõ ràng nhất về tác dụng tích cực, hiệu quả của chiến lược phòng chống Covid-19 mới, nhất là chiến dịch bao phủ vaccine đã mang lại kết quả vượt xa ngoài mong đợi.

Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm là những người bị mắc Covid-19 hay còn gọi là F0 có nên tạo điều kiện để họ trở lại công việc thường ngày hay không? Hiện nay, dư luận có nhiều luồng ý kiến khác nhau nhưng đa số đồng tình với việc cho phép F0 trở lại làm việc theo đề nghị của Bộ Y tế, với một số biện pháp, điều kiện đi kèm.

F0 vẫn đi làm: Tại sao không? - 1

Long An cho phép F0, F1 đang trong thời gian cách ly được đi làm khi có sự đồng ý của cấp trên, người quản lý (Ảnh: Xuân Hinh).

Có thể nói, việc cho phép những người bị F0 không triệu chứng trở lại làm việc trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết, hợp lý. Bởi các lý do sau:

Thứ nhất, độ bao phủ vaccine hiện nay của nước ta rất cao, gần như 100% người từ 12 tuổi trở lên nếu có bệnh mà không thể tiêm thì đều đã được tiêm đủ 2 mũi, trong đó nhiều người đã tiêm mũi tăng cường thứ 3. Do đó, nếu cho phép F0 không triệu chứng đi làm việc bình thường thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của họ.

Mặt khác, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất hạn chế, trường hợp lỡ lây cho người khác thì bệnh cũng nhẹ, vì đã được tiêm ngừa đủ liều.

Thứ hai, trong giai đoạn phục hồi kinh tế-xã hội hiện nay rất cần nhân lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh đang tăng cao, "khát" nhân công. Đặc biệt là lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra, nhất là kế hoạch hoàn thành các hợp đồng đã ký kết với đối tác.

Nếu chúng ta quá cứng nhắc không tạo điều kiện cho F0 được đi làm sẽ vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch do thiếu nhân công, vừa làm cho cuộc sống người lao động lỡ mắc F0 thêm khó khăn vì không có thu nhập trang trải cuộc sống.

Thứ ba, đối với lĩnh vực hành chính công, khi số lượng cán bộ, công chức mắc Covid-19 tăng cao nếu F0 không đi làm sẽ không có người tiếp nhận, giải quyết nhu cầu về thủ tục hành chính cho công dân, tổ chức, nhất là các lĩnh vực không thể thực hiện trực tuyến. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của tổ chức, công dân, nhất là giải quyết các thủ tục giấy tờ cần thiết, cấp bách cho sinh hoạt, tìm việc làm.

Chẳng hạn, mấy ngày gần đây nhu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của người dân tăng đột biến, bởi khi dịch bệnh được đẩy lùi thì nhiều các nước đã mở cửa để thu hút lao động người nước ngoài trở lại làm việc và người lao động Việt Nam cũng cần nắm bắt cơ hội đó. Vì vậy, trong lĩnh vực hành chính nhà nước cũng rất cần có nhân lực để phục vụ kịp thời, nhanh chóng nhu cầu của người dân, tổ chức, nếu F0 nghỉ dài ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc.

Ngoài ra, việc cho phép F0 được đi làm, sinh hoạt bình thường cũng là giải pháp đẩy nhanh phương châm "bình thường mới", nhất là thích ứng linh hoạt, "sống chung" với dịch bệnh. Bởi dịch Covid-19 hiện nay đang tiến tới được coi là bệnh đặc hữu, thông thường đã có thuốc chữa và không còn quá nguy hiểm, đe dọa nhiều đến sức khỏe, tính mạng của người dân nếu tuân thủ 5K và tiêm vaccine đầy đủ.

                                                ThS Phạm Văn Chung

                     Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum